Bộ Nội vụ cho biết căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội, có nêu rõ: Cơ quan sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không còn tổ chức thanh tra thì thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra trong phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước không thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, mà thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 2 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, thì Sở Nội vụ có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.
Thành phần đoàn điều tra tai nạn lao động do Sở Nội vụ quyết định, bao gồm: Đại diện của đơn vị (phòng) thuộc Sở Nội vụ có chức năng tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động làm trưởng đoàn; đại diện Sở Y tế; đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và thành phần khác.
Bộ Nội vụ đề nghị các Sở Nội vụ kịp thời thành lập các đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để điều tra các vụ tai nạn theo đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra gần 8.300 vụ tai nạn lao động, làm hơn 8.400 người bị nạn. Trong đó, có 675 vụ tai nạn lao động chết người; hơn 700 người chết vì tai nạn lao động; gần 1.700 người bị thương nặng.
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2024, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2024 (như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,...) là trên 42.500 tỷ đồng. Thiệt hại về tài sản gần 500 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, điển hình như vụ 3 người tử vong tại nhà xưởng đang sửa chữa trong khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (cũ) vào ngày 18/4.
Vụ 2 người tử vong và 3 người bị thương xảy ra tại Công ty gạch men Phương Nam (Đồng Nai cũ) nghi do độc khí CO vào ngày 26/5.
Vụ tai nạn lao động do sạt, lở đất đá xảy ra ngày 16/5/2025 tại công trường thi công đập bê tông A1 dự án công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A, bản Lả Nhì Thàng, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, làm 5 người chết và 4 người bị thương...
Theo Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), công tác an toàn, vệ sinh lao động đang đứng trước những thách thức lớn hơn, như: số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng có dấu hiệu tăng. Các ngành có nhiều tai nạn là khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro.
Nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…