Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm tiếp tục thực hiện, thể chế hóa đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Theo Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định “kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước” là tài sản công. Do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; loại biển số có thể đấu giá; xác định giá khởi điểm; phạm vi quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe… Việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là rất đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô; xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô; tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ô tô; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số ô tô; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Chính phủ đề xuất năm chính sách để thí điểm thực hiện cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Cụ thể, Chính sách 1 quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá. Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe.
Chính sách 2 xác định giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất, phù hợp với thực tiễn, theo đó xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số.
Chính sách 3 quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó.
Chính sách 4 quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá.
Chính sách 5 quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá. Cụ thể, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Theo báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với thời gian thí điểm là 3 năm như đề xuất của Chính phủ, đồng thời cho rằng, thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm.
Tại phiên họp, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.