October 29, 2012 | 13:20 GMT+7

Bổ sung quyền của Chủ tịch nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Nguyên Thảo

9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được trình Quốc hội

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, 
so với Hiến pháp năm 1992 giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95
 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992 giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được trình Quốc hội tại phiên họp sáng 29/10.

Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mục tiêu sửa đổi Hiến pháp là để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992 giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.

Làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng

Trong 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội, Ủy ban cho biết, vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn.

Theo đó, điều 4 dự thảo Hiến pháp có thêm quy định Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Và không chỉ các tổ chức của Đảng, mà các đảng viên hoạt động phải trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Bổ sung quyền của Chủ tịch nước

Trong mối quan hệ với hành pháp, dự thảo đã bổ sung thẩm quyền của Chủ tịch nước bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện rõ hơn mối quan hệ của Chủ tịch nước với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động lập pháp; đồng thời phát huy tốt hơn cơ chế kiểm tra, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về việc thực hiện vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, dự thảo đã bổ sung thẩm quyền quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân, bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho Chủ tịch nước.

Một điểm mới nữa là dự thảo đã bổ sung quy định Chủ tịch nước được quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ của Chủ tịch nước.

Việc bổ sung quy định này, theo Ủy ban, là nhằm thực hiện nguyên tắc “kiểm soát” quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đồng thời phù hợp với vị trí, vai trò và thẩm quyền của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước; người đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ, và căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác.

Không ai bị phân biệt đối xử

Ở chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, dự thảo đã thiết kế điều mới (điều 16) quy định mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 17 tại dự thảo đã sửa đổi bổ sung điều 52 “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” thành: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vì bất kỳ lý do nào. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.

Dự thảo cũng đã có một điều riêng quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân theo yêu cầu của Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Điều này khẳng định rõ: việc khám xét chỗ ở do luật quy định.

Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Theo nội dung đã được sửa đổi, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Mục đích phát triển kinh tế là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân.

Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Dự thảo cũng quy định, đất đai, nguồn nước, khoáng sản, vùng trời, vùng biển và tài nguyên thiên nhiên khác, các công trình và các tài sản Nhà nước đầu tư, quản lý đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.

Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ nội dung sửa đổi

Cũng tại phiên họp sáng nay, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Theo đó, đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương.  

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.  

4 hình thức được quy định cho việc lấy ý kiến là : góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức ; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.
 
Từ ngày 2/1 - 31/3/ 2013 là thời gian được dành lấy ý kiến nhân dân về dự thảo, kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.   

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này.

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013); sau đó tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013).

* 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992:  

Thứ nhất, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Thứ hai, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Thứ ba, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Thứ tư, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thứ năm, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ bảy, sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ tám, sửa đổi Hiến pháp để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới.

Thứ chín, sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.

(Nguồn: Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate