Tính đến hết ngày 7/11, TP. Hà Nội đã được cung ứng thêm hơn 1.000 m3 xăng dầu cho 5 thương nhân phân phối trên địa bàn.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết đến cuối giờ chiều 7/11, Hà Nội cũng hoàn tất việc cấp phép vận chuyển cho các doanh nghiệp có đăng ký.
100% doanh nghiệp xăng dầu nộp hồ sơ đăng ký cho phép xe bồn vận chuyển xăng dầu 24/24 giờ tại khu vực nội thành đã được Sở Giao thông vận tải đã được cấp phép đầy đủ.
Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội có 493 cửa hàng. Trong đó, có 20 cửa hàng xăng dầu đang ngừng bán hàng, không hoạt động kinh doanh được phép đóng cửa hàng do hết hợp đồng thuê đất, đang trong quá trình chuyển giao cho đơn vị khác, cải tạo sửa chữa…
Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, hơn 20 thương nhân phân phối có hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường Hà Nội.
Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội, theo Sở Công Thương, bình quân 1 tháng khoảng 146.500 m3. Trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.750 m3, dầu khoảng 48.750 m3.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay nhu cầu xăng dầu tăng đột biến trung bình 20%, tương đương 175.800 m3/tháng, thậm chí một số cửa hàng tăng trên 30%.
Sở Công Thương Hà Nội dự báo, nhu cầu trong dịp cuối năm và Tết 2023 dự kiến tăng hơn các tháng bình thường từ 15-20% (không tính trường hợp tăng đột biến) do nhu cầu tiêu dùng sản xuất kinh doanh tăng và các dự án đầu tư công đang thúc đẩy mạnh để hoàn thành trong năm 2022.
Nếu trong tình trạng các tỉnh, thành phố lân cận vẫn khó khăn về nguồn cung, một số người dân, doanh nghiệp vẫn đổ dồn về thị trường Hà Nội thì nhu cầu tiêu thụ vẫn có khả năng tăng thêm từ 10-20% so với dịp Tết.
Như vậy, Sở Công Thương cho rằng, ngoài việc phục vụ trên 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục phục vụ thêm các đối tượng khác từ các tỉnh, thành phố lân cận.
Điều này gây áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2023.
Trong khi đó, hiện nay 73% nguồn hàng xăng dầu cung cấp cho thị trường Hà Nội là từ các doanh nghiệp đầu mối và các công ty thành viên, 27% nguồn hàng từ các thương nhân phân phối.
Hơn nữa, số cửa hàng xăng dầu trong nội thành ít. Một số cửa hàng rất nhỏ, bể chứa nhỏ, nguồn dự trữ ít… Đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hàng cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ trong nội thành khi lượng người vào mua hàng đông vào cùng một thời điểm.
Hiện tượng thiếu hàng thời gian qua chủ yếu thuộc hệ thống cửa hàng của các thương nhân phân phối do họ không chủ động được nguồn hàng, phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối nên không ổn định.
Chính vì vậy, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu có phương án đảm bảo, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Đồng thời chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Tăng cường lượng dữ trữ tại các kho, bể chứa trong Thành phố.
Đặc biệt, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương.
Cục quản lý thị trường, UBND các quận, huyện, thị xã nắm bắt tình hình đóng, mở cửa của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo chế độ báo cáo hàng ngày. Sẽ xử lý nghiêm các cửa hàng không chấp hành các quy định về kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.