Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó Bộ đề xuất điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế để đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.
BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ VỚI CÁC QUY ĐỊNH MỚI SẮP BAN HÀNH
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế đã được quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, để phù hợp với thực tiễn thực hiện Luật thời gian qua.
Trong đó sửa đổi để làm rõ hơn nội hàm của các đối tượng như: học viên công an nhân dân tại điểm a khoản 3, bao gồm học viên người Việt Nam và người nước ngoài, con của liệt sỹ tại điểm i khoản 3 bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, tách đối tượng cựu sỹ quan công an nhân dân nghỉ hưu trong nhóm đối tượng hưu trí tại điểm a khoản 2 thành 1 nhóm đối tượng riêng, để điều chỉnh mức hưởng cho đồng bộ với mức hưởng của đối tượng cựu chiến binh.
Sửa đổi, bổ sung khoản 5 về nhóm tự đóng bảo hiểm y tế, trong đó bổ sung người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật, người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương, hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng, hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 12 về các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang trình Quốc hội ban hành.
Số này bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, bổ sung người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Bổ sung đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian, thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
ĐẢM BẢO AN SINH, TĂNG MỨC BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN
Theo Bộ Y tế, việc quy định bổ sung người sinh sống, làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo, người Việt Nam không có giấy tờ tuỳ thân, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà không thuộc các đối tượng đã được quy định trong Luật, người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động tự đóng hoặc tham gia theo hình thức hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh..., có thể giúp duy trì và tăng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Từ đó tăng nguồn thu cho Quỹ bảo hiểm y tế, tăng nguồn kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo thống đến năm 2023 có khoảng 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, nếu chỉ riêng đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế thì Quỹ bảo hiểm y tế có thể tăng thêm khoảng 1.944 tỷ đồng mỗi năm.
Riêng trong quý 1/2023 tại Bình Dương có hơn 36.300 lao động nghỉ không hưởng lương, hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, khi quy định đối tượng này tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế sẽ giúp duy trì ổn định đối tượng và nguồn thu của Quỹ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm y tế có lợi khi được bảo đảm về tài chính và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.
Ví dụ, bệnh nhân chạy thận nhân tạo có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc; mỗi tuần phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức, từ đó sẽ dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như giảm sức lao động, tăng nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội.
Khi họ tham gia bảo hiểm y tế và được Quỹ chi trả chi phí thì các khó khăn trên đã được giải quyết.
Hiện nay, tính trên cả nước, tổng số lượng chạy thận nhân tạo được bảo hiểm y tế thanh toán là 4,3 triệu lượt/năm, với tổng chi phí được chi từ Quỹ bảo hiểm y tế cho thận nhân tạo chu kỳ là 2.400 tỷ đồng/năm - là dịch vụ có tỷ trọng chi lớn nhất từ Quỹ bảo hiểm y tế.
Vì vậy, nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, không được chi trả từ Quỹ bảo hiểm y tế, người dân sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn về mặt tài chính, đặc biệt khi mắc các bệnh hiểm nghèo.
Việc bổ sung các nhóm đối tượng tham gia cũng góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội, duy trì và từng bước tăng mức bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.
Bên cạnh đó, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả sẽ góp phần làm tăng cung ứng dịch vụ y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từ đó tăng việc làm, nguồn thu nhập, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế. Các lĩnh vực liên quan có thể tăng việc làm do tiêu dùng dịch vụ, hàng hóa đi theo nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.