Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2023 vừa qua, việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người hưởng đều tăng lên.
Riêng với bảo hiểm y tế, đã có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã tăng mạnh trong năm 2023, cùng với đó là số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng tăng tương ứng.
Năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thì đến năm 2023, con số này lên tới gần 175 triệu lượt (tăng 15%). Số chi bảo hiểm y tế cũng lên tới trên 123.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022.
“Điều này cho thấy hiệu quả công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đang được phát huy tích cực, thiết thực với người dân”, ông Lê Văn Phúc cho hay.
Tính đến hết năm 2023, cả nước đã có trên 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 93,35% dân số, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Có được những kết quả này, ông Lê Văn Phúc cho biết, trong năm vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang còn tồn tại cho người dân và cơ sở khám chữa bệnh...
Đặc biệt, đã tham mưu sửa đổi Nghị định 146 bằng Nghị định 75; tiếp tục hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế với một số nhóm đối tượng; quy định khám chữa bệnh bằng ứng dụng VneID (ứng dụng định danh điện tử), VssID – Bảo hiểm xã hội số...
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cũng từng bước được tháo gỡ; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được tăng cường.
Đáng chú ý, quy trình giám định bảo hiểm y tế mới được triển khai theo hướng hiện đại hơn, đảm bảo chi đúng, đủ quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp cố trình trục lợi bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 cũng là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao.
Mặc dù vậy, Bộ Y tế cho rằng, hiện ngân sách nhà nước cho y tế và bảo hiểm y tế dù có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp.
Độ bao phủ bảo hiểm y tế rộng nhưng chưa bền vững, do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Hơn nữa, phương thức chi trả dịch vụ y tế chậm đổi mới, chậm hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản; chậm điều chỉnh tính đủ chi phí dịch vụ y tế. Ngoài ra, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong giám định, thanh toán chi phí giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và bệnh viện.
Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân sẽ ngày càng tăng lên do mô hình bệnh tật thay đổi, bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng, bệnh dịch mới xuất hiện.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về nhân khẩu học với tỷ lệ người cao tuổi tăng cao; tác động của toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe; mong đợi của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng cao…
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế cho rằng, công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần tiếp tục được nâng lên. Trong năm nay, Bộ cũng sẽ hoàn thiện, trình ban hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Lê Văn Phúc cho biết, cơ quan này cũng sẽ tham gia nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế; phối hợp với Bộ Y tế tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt việc cung ứng thuốc, vật tư y tế, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chi đúng, chi đủ trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ông Phúc cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn chi từ quỹ bảo hiểm y tế, cũng như đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân.