Phát biểu thảo luận về dự thảo luật tại hội trường ngày 26/5, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, đoàn Bến Tre, nhận xét việc dự thảo quy định nâng dự phòng ngân sách sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương bởi biểu thực tế có nhiều nhiệm vụ cần chi mà không thể chi được với lý do ngân sách còn hạn chế.
XEM XÉT KỸ LƯỠNG VIỆC TĂNG TỶ LỆ DỰ PHÒNG NGÂN SÁCH
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, đoàn Ninh Bình, cho rằng trước diễn biến tình hình kinh tế phức tạp như hiện nay, việc tăng mức bố trí dự phòng ngân sách có thể là một giải pháp giúp tăng cường khả năng chủ động ứng phó với các rủi ro.
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu đoàn Ninh Bình, quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình hình kinh tế cụ thể, các yếu tố tiềm ẩn rủi ro và sự cân đối giữa việc đảm bảo an toàn tài chính và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó cần được xem xét, đánh giá đầy đủ cả mặt tích cực cũng như các mặt tiêu cực tiềm ẩn khi điều chỉnh tăng mức dự phòng.
Xét về mặt tích cực khi tăng dự phòng sẽ giúp tăng khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ, giúp chủ động trong xử lý các tình huống khẩn cấp, ổn định ngân sách và một nguồn dự phòng lớn sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế.
Mặt khác cũng cần xem xét kỹ lưỡng mặt tiêu cực tiềm ẩn của việc tăng tỉ lệ dự phòng ngân sách đó là sẽ làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, việc tăng tỉ lệ dự phòng đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ chi cho các hoạt động khác gồm cả đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.

“Điều này có thể làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, khoản tiền dự phòng lớn nếu không được đưa vào sử dụng ngay có thể gây lãng phí. Hơn nữa trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đã chỉ ra 3 vấn đề cho thấy việc điều chỉnh tăng mức bố trí dự phòng lên tối đa 5% là chưa đủ cơ sở". Do vậy, đại biểu đoàn Ninh Bình đề nghị giữ nguyên mức bố trí dự phòng ngân sách như luật hiện hành là từ 2% đến 4%.
Ngoài ra, cần bổ sung 1 điểm d vào khoản 2 Điều 10 quy định, sau ngày 31/10 năm kế hoạch nếu không phát sinh nhu cầu các khoản chi quy định tại điểm a, b, c khoản 2 điều này thì cấp có thẩm quyền có thể sử dụng dự phòng ngân sách để bổ sung cho các nhiệm vụ chi cần thiết khác. Sau khi ước tính số dư hợp lý còn lại do dự phòng cũng là khoản chi ngân sách nhà nước của năm, nếu không sử dụng hết sẽ lại tồn ở kết dư, gây lãng phí không cần thiết nên cần có phương án sử dụng khi các nội dung dự phòng không phát sinh.
Cũng quan tâm tới vấn đề về dự phòng ngân sách, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, cho biết dự phòng ngân sách hằng năm, đặc biệt dịch Covid-19 dùng còn thiếu, nhưng không phải dự phòng ngân sách là lúc nào cũng có có thiên tai, dịch họa, quy định 2% đến 4% có khi còn chi không hết. Bây giờ lại quy định thêm trần là 5%, dự phòng ngân sách chỉ cần 1% là số tiền đã rất lớn. Do đó, đại biểu Hoà cũng đề nghị giữ theo mức hiện hành là 2- 4%, không tăng thêm.
VÌ SAO CẦN PHẢI NÂNG MỨC DỰ PHÒNG?
Góp ý về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước, đại biểu Triệu Quang Huy, đoàn Lạng Sơn, chỉ rõ dự thảo quy định ''trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 10 dự phòng ngân sách nhà nước, dự thảo quy định ''mức bố trí dự phòng từ 2- 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên nếu có.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định mức bố trí dự phòng, trong đó loại trừ các khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, do các khoản thu này được bố trí tương ứng cho dự toán chi nên không đảm bảo nguồn để bố trí vào dự phòng ngân sách.
Nêu quan điểm “Khoản 1 Điều 10 dự thảo luật quy định: “mức bố trí dự phòng 2% đến 5% tổng chi ngân sách là không bao gồm chi bổ sung các mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có)”, đại biểu Dương Văn Phước, đoàn Quảng Nam, cho rằng chưa đảm bảo tính bao quát, vì chi tạo nguồn cải cách tiền lương và các khoản chi nằm trong chi ngân đối ngân sách địa phương. Tuy nhiên, thực tế nguồn cải cách tiền lương được quản lý và sử dụng như một nguồn trung ương bổ sung có mục tiêu.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét và bổ sung thêm nội dung chi tạo nguồn cải cách tiền lương và viết lại như sau: “Mức bố trí dự phòng 2% đến 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có) và chi tạo nguồn cải cách tiền lương (nếu có)”.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về nâng mức dự phòng ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, việc nâng tỷ lệ từ 4% lên 5% không có nghĩa là bắt buộc phải trích đủ 4% hay 5%. Việc dự phòng thêm 1% giúp có nguồn lực khi cần thiết. Theo đó, nếu không nâng, có thể sẽ bị động khi cần bố trí nguồn cho các nhu cầu đột xuất.
“Trong những năm gần đây, toàn bộ nguồn dự phòng ngân sách đều đã được sử dụng hết, không có tình trạng lãng phí, để lại”, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết.
Trong thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp triển khai ngân sách bị vướng do thiếu nguồn dự phòng. Ví dụ như gần đây Bộ Chính trị chỉ đạo phải tăng thêm 1% chi ngân sách cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong khi chờ các bộ, ngành và địa phương đề xuất phương án phân bổ dự toán thì khoản kinh phí này phải được tạm đưa vào nguồn dự phòng.
Thời gian vừa qua nguồn dự phòng đã được sử dụng rất có hiệu quả. Theo Bộ trưởng, “vừa rồi có rất nhiều trường hợp chi đột xuất và sắp tới cũng sẽ tiếp tục có những trường hợp đột xuất, không thể không nâng mức dự phòng này lên”.
“Chính vì thế, Chính phủ đề nghị nâng thêm 1%, không phải bỏ tiền vào đó để lãng phí, chúng ta đang rất thiếu tiền", Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình thêm.