May 26, 2025 | 16:49 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Chuyển nguồn trở nên phổ biến làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước

Nhĩ Anh -

Năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là 1.239.000 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 39% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước. Dẫn con số này, đại biểu lo ngại việc chuyển nguồn từ năm này sang năm khác đang trở nên phổ biến, làm giảm hiệu quả của sử dụng ngân sách...

Đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn Gia Lai.
Đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn Gia Lai.

Thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) ngày 26/5, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến nội dung về xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm, tại khoản 3 Điều 63, trong đó có những nội dung liên quan đến chuyển nguồn.

KIẾN NGHỊ GIỚI HẠN CHUYỂN NGUỒN TỐI ĐA 3% TỔNG CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong thời gian rất ngắn đã xây dựng trình Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) có nhiều điểm tích cực. Để luật khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong quản lý ngân sách hiện nay, đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn Gia Lai nêu thực tế dự toán thu thường thấp hơn khả năng thực hiện, tạo vượt thu tăng đều qua các năm, nhất là giai đoạn 2021-2024, có năm lên đến trên 20%, trong khi dự toán chi lại cao hơn khả năng thực hiện dẫn đến giải ngân thấp, chuyển nguồn lớn.

Theo đại biểu, các quy định hiện nay tại Điều 41, Điều 42 còn thiếu tiêu chí cụ thể, chưa ràng buộc trách nhiệm khi dự toán sai lệch, chưa tự động hóa tích hợp dữ liệu từ địa phương lên trung ương…

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường ngày 26/5.
Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường ngày 26/5.

Đáng chú ý, đại biểu nhận xét, việc chuyển nguồn từ năm này sang năm khác đang trở nên phổ biến, làm giảm hiệu quả của sử dụng ngân sách. Trong khi đó, dự thảo lại mở rộng đối tượng được chuyển nguồn tại Điều 63 mà không siết trách nhiệm, không giới hạn tỷ trọng hay thời gian sử dụng chuyển nguồn.

Ngoài ra, thời gian quyết toán quá dài không hỗ trợ lập dự toán. Luật hiện hành là 18 tháng, dự thảo luật rút xuống 12 tháng nhưng vẫn gấp đôi so với thông lệ quốc tế, làm mất giá trị quản lý số liệu và chưa tương thích với kỳ họp Quốc hội. Nguyên nhân chính được chỉ ra là quy trình phức tạp, thiếu ứng dụng công nghệ số và thiếu chế tài đối với chậm trễ, đặc biệt chuyển nguồn lớn cũng làm quy trình quyết toán thêm rối. Điều 61 về quản lý ngân quỹ cũng thiếu cơ chế đối chiếu số liệu nhanh.

Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất bổ sung quy định tiêu chí lập dự toán và chế tài. Dự toán thu phải đạt tối thiểu 95% khả năng thu thực tế dựa trên dữ liệu thu, chi ngân sách 5 năm và dự báo tăng trưởng kinh tế bao gồm: GRDP, lạm phát doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, lãi suất, cán cân thương mại, niềm tin người tiêu dùng, chi tiết thì giao cho Chính phủ quy định. Đồng thời dự toán sai lệch trên 10% không có lý do chính đáng phải giải trình và bị xử lý.

Đại biển kiến nghị quy định giới hạn chuyển nguồn tối đa 3% tổng chi ngân sách nhà nước, thời hạn sử dụng chuyển nguồn không quá 12 tháng, các khoản không sử dụng phải hoàn trả ngân sách. Cơ quan chuyển nguồn phải báo cáo nguyên nhân và có chế tài nếu quản lý kém.

Ông Lê Hoàng Anh cũng đề nghị rút ngắn và đơn giản hóa quyết toán ngân sách nhà nước. Theo đó, quy định rõ thời hạn từng bước trong quy trình quyết toán ngân sách nhà nước: Hoàn thành không quá 10 tháng, đơn vị dự toán cấp 1 nộp trước 30/5, kiểm toán xong trước 30/7, Bộ Tài chính trình Chính phủ trước 30/8, Quốc hội phê chuẩn chậm nhất 30/10. Từ năm 2028, khi đã hoàn thành đầu tư hệ thống thông tin ngân sách quốc gia thì Quốc hội phê chuẩn trước 30/6.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, đoàn TP. Hà Nội.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, đoàn TP. Hà Nội.

“Cần luật hóa chuyển đổi số trong quản lý ngân sách; quy định trong luật về hệ thống thông tin ngân sách quốc gia, tích hợp dữ liệu trung ương đến địa phương theo thời gian thực; ứng dụng AI và dữ liệu lớn để lập dự toán chính xác, kiểm soát chuyển nguồn, hỗ trợ kiểm toán và rút ngắn thời gian quyết toán áp dụng từ năm 2028”, đại biểu góp ý.

Đáng chú ý, đại biều đoàn đề xuất thí điểm một số chính sách bỏ chuyển nguồn, lập dự toán chi theo kết quả đầu ra ở một số địa phương. Giao Bộ Tài chính lựa chọn đơn vị thí điểm tổng kết, điều chỉnh, rút kinh nghiệm áp dụng toàn quốc từ năm 2028.

Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, đoàn TP. Hà Nội cho rằng hiện nay chuyển nguồn rất lớn. Báo cáo của Kiểm toán nhà nước, báo cáo về quyết toán ngân sách đã cho thấy năm 2023 chuyển nguồn sang năm 2024 là 1.239.000 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 39% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước. Như vậy, tính sử dụng hiệu quả rất đáng lo ngại.

Do đó, đối với điểm a của khoản 3 Điều 63 về chuyển nguồn, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn để tránh vướng mắc, trường hợp khoản dự toán ngân sách trung ương được Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho ngân sách địa phương trước ngày 30/9 nhưng UBND cấp tỉnh giao bổ sung cho đơn vị cấp dưới thì lại sau ngày 30/9 thì xử lý cụ thể những trường hợp này như thế nào để phát sinh những vấn đề chuyển nguồn rất lớn như vậy?.

PHẢI DÀNH NGUỒN LỰC CHO CÁC DỰ ÁN CÓ KHẢ NĂNG HẤP THỤ VỐN

Từ thực tế tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn Điện Biên đề nghị bổ sung một điểm vào khoản 3 Điều 63 về xử lý thu chi ngân sách nhà nước cuối năm tại dự thảo luật sửa đổi: “Nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện và hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm sau.

Đồng tình với quan điểm này về xử lý thu chi ngân sách nhà nước cuối năm, đại biểu Vương Thị Hương, đoàn Hà Giang đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào khoản 3 Điều 63 dự thảo luật quy định nhiệm vụ chi được chuyển nguồn sang năm sau đối với kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo giai đoạn và kết thúc giai đoạn nếu không thực hiện hết sẽ hoàn trả nguồn cho ngân sách trung ương.

Theo đại biểu, trong thực tế, chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt theo giai đoạn thực hiện có chu kỳ đầu tư trung hạn từ 3 năm, 5 năm và có những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra được xác định đến năm cuối của giai đoạn thực hiện chương trình.

Do đó nguồn kinh phí thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra cần phải liên tục trong cả giai đoạn và thực tế có những chương trình, mục tiêu quốc gia đã được thông báo vốn sự nghiệp trung hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc cho phép chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo giai đoạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động hơn về tiến độ triển khai, tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang
Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang

Về sử dụng nguồn tăng thu tiết kiệm chi, đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang đồng tình cần phải xem xét điều chỉnh các quy định liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn lực này. Song, vị đại biểu chỉ ra thực tế của quy định này hiện nay còn có chỗ chưa hợp lý.

Ví dụ quy định ưu tiên sử dụng trước tiên nguồn này cho giảm bội chi, tăng trả nợ. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này thì phải xử lý để giảm bội chi, tăng trả nợ còn dư mới chuyển sang mục tiêu ưu tiên tiếp theo.

“Như vậy thì chẳng bao giờ có nguồn sang cho ưu tiên tiếp theo, vì bội chi và nợ ngân sách quá lớn so với nguồn tăng thu hàng năm. Sửa luật lần này cần xác lập lại trật tự và tính chất ưu tiên cho rõ ràng, minh bạch để việc chấp hành được nhất quán từ trung ương đến địa phương và tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính”, đại biểu nói.

Trong giai đoạn hiện nay, theo đại biểu Trần Văn Lâm, cần ưu tiên cho đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng nhưng trước hết phải dành cho các dự án đang triển khai có khả năng hấp thu vốn và nếu sử dụng cho các dự án mới thì phải là các dự án đang có trong kế hoạch đầu tư trung hạn và đủ điều kiện để triển khai thực hiện sớm hơn. “Không nên bố trí dàn trải vào các dự án bổ sung đột xuất vì nếu có vấn đề đột xuất thì đã có nguồn dự phòng xử lý theo quy định”, đại biểu phân tích.

Thời gian qua, nguồn này kể cả Trung ương và địa phương đã bố trí cho nhiều dự án không có trong đầu tư trung hạn, chưa thực sự cấp bách, chưa thực hiện kỹ lưỡng cho nên khó triển khai. "Có tiền không tiêu được, tiền để trong két nhưng không thể giải ngân, phải chuyển nguồn qua nhiều năm, góp phần tăng tổng chuyển nguồn, tăng tồn ngân quỹ ngân sách. Trong khi đó, nợ ngân sách đi vay vẫn phải trả lãi gây lãng phí không nhỏ", ông Lâm nói.

Đại biểu đoàn Bắc Giang nhấn mạnh, khi có tiền tăng thu thì chi vào các dự án nhỏ lẻ, trong khi cần làm việc lớn thì khó khăn về nguồn. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ để đảm bảo và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực của ngân sách Nhà nước, trong đó có nguồn tăng thu tiết kiệm chi.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate