Trong văn bản kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chuyển tới, cử tri tỉnh này phản ánh rằng rất ít người dân tham gia hưởng lợi từ nguồn bảo hiểm đối với mô tô, xe gắn máy. Do đó, cần công khai việc thu và chi trả đối với loại hình bảo hiểm này.
Ngoài ra, liên quan đến vướng mắc khi bồi thường, cử tri tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện nay người dân tham gia bảo hiểm xe máy gặp tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tổn thương, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba, theo hạn mức trách nhiệm đã được giao kết thì việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà và hầu như không được hưởng. Do đó, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giảm bớt thủ tục khi giải quyết bồi thường bảo hiểm.
TỶ LỆ CHI TRẢ 10%, CAO HƠN TRƯỚC ĐÂY
Trong văn bản phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết ngày 6/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc (Nghị định số 67), trong đó có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định này đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Thống kê số liệu 6 tháng đầu năm 2024 do các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, Bộ Tài chính cho biết doanh thu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ mô tô, xe gắn máy là 431,8 tỷ đồng, chi bồi thường là 41,9 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là gần 35,9 tỷ đồng. Các khoản chi này chưa tính chi hoa hồng, chi quản lý, chi bán hàng... cũng như trách nhiệm bồi thường phát sinh trong thời gian tới.
Theo đánh giá, sau gần 1 năm thi hành Nghị định số 67, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy ở mức cao hơn giai đoạn trước đó.
Trước đó, tỷ lệ này chỉ khiêm tốn ở mức 6% vào năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm); năm 2021 chỉ đạt vỏn vẹn 2,5% (chi trả 27/1.076 tỷ đồng phí bảo hiểm).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, về phí bảo hiểm, điều chỉnh theo hướng cho phép giảm phí bảo hiểm với tỷ lệ tối đa 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe để tạo chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro.
Theo đó, phí bảo hiểm sẽ căn cứ vào các yếu tố kể trên, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15%.
Về mức trách nhiệm, hầu hết mức trách nhiệm bồi thường đã được nâng lên đáng kể.
"Với dòng xe máy dưới 50cc, phí bảo hiểm là 55.000 đồng. Khi xảy ra tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người thứ ba, số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho một người trong một vụ tai nạn là 150 triệu đồng, gấp 2.727 lần so với số phí bảo hiểm", văn bản Bộ Tài chính cho biết.
Trước đó, mức trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm đối với thiệt hại về người do chủ xe/lái xe gây ra trước đây chỉ là 70 triệu đồng/1 người/vụ hay 100 triệu đồng/1 người/vụ.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết quyền lợi cho khách hàng, Nghị định số 67 cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập đường dây nóng 24/7 để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp cho chủ xe.
Cùng với đó, thực hiện ghi âm cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của chủ xe.
Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ, doanh nghiệp phải hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường, trong vòng 24 giờ tổ chức giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
"Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ xe về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, kể cả trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Nghị định cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm thu thập các tài liệu hồ sơ bồi thường bảo hiểm gồm tài liệu liên quan của cơ quan công an, biên bản giám định; phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với xe máy…
Về chi trả bồi thường, Nghị định số 67 đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Mức bồi thường về người đã được cụ thể hóa, đơn giản dễ áp dụng thống nhất. Theo đó số tiền bồi thường căn cứ vào tỷ lệ tổn thương do cơ quan y tế xác định nhân với giới hạn trách nhiệm bảo hiểm (150 triệu đồng). Hồ sơ bồi thường được quy định cụ thể đối với doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe được quy định rõ ràng.
"Thủ tục bồi thường bảo hiểm đã được quy định đơn giản, vừa đảm bảo chi trả bảo hiểm nhanh gọn, chính xác góp phần giúp người bị tai nạn sớm khắc phục được khó khăn về tài chính khi không may xảy ra tai nạn; vừa đảm bảo hồ sơ, tài liệu, chứng từ hợp lệ để doanh nghiệp bảo hiểm hạch toán chi phí", Bộ Tài chính đánh giá.
Đối với quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, đã chi tiết hơn.
Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trước đây người dân lo ngại thủ tục quá lằng nhằng song từ khi Nghị định số 67 ban hành, các quy định tương đối rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, khách hàng nên nghiên cứu để phối hợp thực hiện đảm bảo quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định rõ về nghĩa vụ cụ thể của doanh nghiệp bảo hiểm theo từng mốc thời gian cụ thể, khi nhận được thông báo sự cố, khi giám định, thời gian tạm ứng bồi thường, thời gian giải quyết bồi thường… Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tạm ứng khoảng 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn...
THANH TRA 4 DOANH NGHIỆP, XỬ NGHIÊM KHI VI PHẠM
Bộ Tài chính cho biết thời gian qua đã có nhiều văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm để chấn chỉnh về bảo hiểm bắt buộc, lưu ý các vấn đề như thực hiện duy trì hoạt động đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, tư vấn, giải đáp cho chủ xe, người được bảo hiểm
Cùng với đó, kiểm tra, rà soát các cuộc gọi đến đường dây nóng liên quan đến việc phản ánh, yêu cầu bồi thường đối với chủ xe máy để có giải pháp phân công cán bộ tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các trường hợp khách hàng yêu cầu bồi thường, đảm bảo hướng dẫn đúng quy định pháp luật, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời.
Giám định bồi thường, bồi thường bảo hiểm, tạm ứng bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời cho chủ xe, người được bảo hiểm theo đúng quy định.
Bộ Tài chính cũng quán triệt trong toàn bộ hệ thống chỉ thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, loại hình bảo hiểm đóng góp tích cực cho an sinh xã hội.
"Trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thanh tra, kiểm tra, trong đó thanh tra triển khai bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và kiểm tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy đối với 8 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ", Bộ Tài chính thông tin.
Qua thanh tra, kiểm tra, trường hợp phát hiện doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và phối hợp với các cơ quan để rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp theo quy định.