September 14, 2021 | 23:54 GMT+7

Bộ trưởng 10 nước ASEAN nhất trí hướng tới quan hệ bền vững với các nước đối tác

Song Hà -

Ngày 14/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53, các Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác Hoa Kỳ, Hồng Công – Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Liên bang Nga đã lần lượt diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế của các nước đối tác...

Hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng các nước ASEAN và đối tác.
Hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng các nước ASEAN và đối tác.

Đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.

Tại hội nghị, các bộ trưởng hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Hoa Kỳ đạt 309 tỷ USD trong năm 2020, tăng trưởng 4,6% so với năm 2019.

Hội nghị cũng ghi nhận những tiến triển quan trọng trong quá trình triển khai Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư giai đoạn 2019-2020 giữa ASEAN và Hoa Kỳ (TIFA) và Kế hoạch hành động thực hiện “Sáng kiến Hợp tác Thương mại mở rộng” (E3) trong giai đoạn 2020 – 2021.

 
Các bên thông qua kế hoạch triển khai Thoả thuận TIFA và Sáng kiến E3 trong giai đoạn 2021 – 2022, tập trung vào một số lĩnh vực như: thương mại điện tử,minh bạch và thực tiễn tốt,cơ chế một cửa ASEAN,thuận lợi hóa thương mại, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ- nhỏ và vừa, nông nghiệp, thương mại và môi trường.

Về hợp tác kinh tế ASEAN – Hồng Công, Trung Quốc, các Bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất phê duyệt Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đầu tư giữa ASEAN và Hồng Công của tất cả các nước và chỉ đạo các nhóm công tác sớm thống nhất những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến quy tắc xuất xứ và đầu tư trong Hiệp định.

Hồng Công, Trung Quốc, bày tỏ mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà ASEAN đã cùng các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, và Trung Quốc ký kết ngày 15/11/2020 để tham gia hội nhập với khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số này.

Trong hợp tác kinh tế ASEAN – Ấn Độ, các Bộ trưởng ghi nhận việc các nước đã hoàn tất phê duyệt Hiệp định Đầu tư ASEAN - Ấn Độ và tiến độ thảo luận về phạm vi rà soát nhằm nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi thương mại hơn cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng các nước khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai khu vực ASEAN – Liên minh châu Âu (EU). EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN với tổng số vốn 7,6 tỷ USD và là đối tác thương mại quan trọng của ASEAN với tổng kim ngạch đạt 258 tỷ USD trong năm 2020.

Hội nghị cũng thông qua Chương trình Công tác Đầu tư và Thương mại ASEAN - EU giai đoạn 2020 - 2021 và ghi nhận tiến trình xây dựng dự thảo Khung Hiệp định Thương mại và Đầu tư dự kiến giữa ASEAN và EU.

Đồng thời chỉ đạo các quan chức kinh tế cấp cao hai bên tiếp tục thảo luận nhằm sớm thống nhất dự thảo để hai bên có thể triển khai đàm phán hiệp định. 

Với liên bang Nga, các Bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất Chương trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN – Nga giai đoạn 2017 – 2020. Nhân kỷ niệm 25 năm ASEAN và Liên bang Nga thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại, hai bên nhất trí thông qua Lộ trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN – Nga sửa đổi và Chương trình làm việc Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN – Nga giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu hướng tới phát triển hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh và công nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; khoa học, công nghệ và đổi mới; sở hữu trí tuệ; biến đổi khí hậu; năng lượng; vận tải; nông ngư nghiệp; du lịch; hợp tác văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, hai bêntập trung vào các dự án về phát triển bền vững và kinh tế số.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate