Tại phiên chất vấn lĩnh vực tài nguyên – môi trường sáng 4/6, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước đang là một thách thức lớn.
CẦN ĐẢM BẢO NGUỒN NƯỚC NỘI SINH
Đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông, cho rằng với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là một thách thức lớn.
Cũng quan tâm đến vấn đề an ninh nguồn nước, đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn Tuyên Quang, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh làm rõ việc phân công, phân cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay.
Theo đại biểu, đây là vấn đề cốt lõi để đảm bảo những chính sách về an ninh nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2023 được triển khai đồng bộ và hiệu quả.
Trả lời nội dung đại biểu chất vấn về an ninh nguồn nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định hiện biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến Việt Nam.
Nước ta cũng là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu, đây cũng là yếu tố tác động đến nguồn nước, đòi hỏi cần có những giải pháp sớm để đảm bảo được an ninh nguồn nước.
“Hiện nay nguồn nước của chúng ta 60% bị phụ thuộc ở nước ngoài, 40% là nội sinh. Việc đảm bảo an ninh nguồn nước đầu tiên phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Ông Khánh cho biết để đảm bảo được nguồn nước nội sinh này, trước hết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng, dự án 1 tỷ cây xanh.
Thứ hai, cần sử dụng hiệu quả nguồn nước. “Hiện nay 80% nước của chúng ta là phục vụ cho nông nghiệp, mà nông nghiệp là tự trả. Ví dụ, chúng ta khi lấy giống gieo ở Đồng bằng Bắc Bộ chẳng hạn thì hồ sông Đà phải trả, nhưng lượng để sử dụng được thì khoảng tầm 10%. Cho nên, khi phục vụ nông nghiệp nhưng để giữ được nước và đảm bảo sử dụng hiệu quả cao nhất của nguồn nước thì cần khắc phục dần trong nguồn nước”, Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Khánh, trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, cần nhiều giải pháp. Thứ nhất là nhóm về thể chế, chính sách. Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa qua Quốc hội thông qua đã có đầy đủ các quy định, yêu cầu chúng ta đảm bảo được lâu dài.
Thứ hai, về công tác quy hoạch. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch, là quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước của quốc gia và 8 quy hoạch các lưu vực sông.
“Hiện chúng tôi đang tham mưu để phê duyệt tiếp 5 quy hoạch các lưu vực sông. Có nghĩa rằng từ luật, nghị định, thông tư gắn vào quy hoạch và chúng ta có tổ chức lưu vực sông để điều hành, quản lý liên tỉnh, để đảm bảo trách nhiệm của các địa phương cùng với nhau phối hợp thật tốt để đảm bảo sử dụng nước hiệu quả nhất”, Bộ trưởng thông tin.
Dẫn thực tế vừa qua tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do hạn hán, xâm nhập mặn, dẫn đến thiếu nước ngọt cục bộ một số nơi, Bộ trưởng Khánh đề nghị cần tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước và sử dụng tiết kiệm. Các giải pháp nữa cũng được tính đến là tiếp tục xây dựng, xử lý, điều hòa, điều phối nguồn nước để đảm bảo được an ninh nguồn nước quốc gia; phối hợp với các nước trong khu vực.
DỰ BÁO, TÍNH TOÁN ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN NGUỒN NƯỚC
Đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh liên quan đến các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, song đại biểu Trần Văn Sáu, đoàn Đồng Tháp trong phần tranh luận bổ sung thêm số liệu khác do các chuyên gia cung cấp, cho thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước đổ về vào những tháng mùa hạn dao động khoảng 60 tới 70 tỷ m3.
Trong khi đó, lượng nước cần để sử dụng cho mùa hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần khoảng 15 tỷ m3. “Vậy nước không thiếu, vì sao chúng ta để người dân thiếu nước, thiếu tới mức chúng ta phải tổ chức cứu trợ. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và cam kết của Bộ trưởng về vấn đề này”, đại biểu đoàn Đồng Tháp chất vấn.
Về ý kiến trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận mùa hạn năm nay có hiện tượng El Nino, như vậy thiếu nước cục bộ ở một khu vực. Vể giải pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng dự báo nguồn nước sinh hoạt, có tính toán để đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tích trữ nước. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước và đảm bảo hệ thống cấp nước.
Giải trình thêm về vấn đề liên quan đến nguồn nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu quan điểm tiếp cận vấn đề nước cần nhìn nhận ở 3 chủ thể. Đó là, số lượng nước; chất lượng nước; và cách thức sử dụng nguồn nước.
“Cách thức sử dụng nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. Chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên, mặc dù hay nói là tài nguyên nước. Chúng ta cứ nghĩ nước là vô hạn, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, sử dụng, thì nước là tài nguyên hữu hạn, khi đó sẽ phải tiếp cận với một nền nông nghiệp khan hiếm nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.
Ông Hoan dẫn chứng ví dụ từ Israel, dù là một quốc gia sa mạc, nhưng vẫn có một nền nông nghiệp vượt trội. Thành công là dựa trên khởi đầu từ câu chuyện giáo dục bắt đầu từ trẻ nhỏ về văn hóa tiết kiệm nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sinh hoạt và kể cả tiết kiệm trong nền nông nghiệp.
"Có lẽ đến giờ này, cần có một tuyên ngôn với bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước, mà sẽ ngày càng khan hiếm hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan góp ý.
Theo ông, từ thực tiễn đó để tiếp cận một cách vừa được ngắn hạn, vừa dài hạn bằng chiến lược tổng thể, để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ nền nông nghiệp sử dụng nước không mất phí, sẽ tiến tới phải tính toán, bởi nước đã dần hữu hạn.