Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận về gói hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội chiều 7/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập; đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán.
Đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán (việc áp dụng mức thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, giá bán chứng khoán không phân biệt có lãi hay không có lãi).
Còn đối với bất động sản, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trên thu nhập được áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, doanh nghiệp không được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và không áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản. Đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản áp dụng mức thuế suất 2% trên giá bán từng lần.
Theo Tư lệnh ngành tài chính, thị trường chứng khoán đang phát triển tốt, là kênh hút vốn quan trọng. Năm 2021, thị trường này đem về nguồn huy động khoảng 7,77 triệu tỷ đồng, chiếm 92,5% GDP năm 2021. Do đó, đề nghị giữ nguyên mức thuế chuyển nhượng với chứng khoán. Còn việc chuyển nhượng bất động sản cá nhân thì yêu cầu nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế.
"Hiện nay tập trung siết trái phiếu doanh nghiệp mà không có tài sản thế chấp. Còn chuyển nhượng tài sản cá nhân thì nộp thuế đúng với giá bán thực tế để tránh thất thu thuế", Bộ trưởng cho hay.
Trước đó, như VnEconomy đưa tin, tại kỳ họp bất thường Quốc hội ngày 4/1 vừa qua, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đã có nhiều ý kiến tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.
Sau phiên thảo luận tổ 4/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan có liên quan đã giải trình, làm rõ một số nội dung thảo luận tại tổ và ý kiến cơ quan thẩm tra. Các cơ quan của Chính phủ cho rằng, quy định của pháp luật về thuế hiện hành đã bao quát được các giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch, nhất là giao dịch chứng khoán, bất động sản... cần phải nghiên cứu thận trọng trước khi áp dụng, để giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của thị trường.
Cụ thể, đối với lĩnh vực chứng khoán, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp, tổ chức trong nước nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo mức thuế suất 20% trên thu nhập. Đối với tổ chức nước ngoài (nhà thầu nước ngoài) áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên doanh thu bán chứng khoán. Đối với cá nhân áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá bán chứng khoán (việc áp dụng mức thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, giá bán chứng khoán không phân biệt có lãi hay không có lãi).
Cũng theo báo cáo, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế suất đối với các giao dịch chứng khoán cần nghiên cứu thận trọng để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới với mục tiêu tăng quy mô, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Đề xuất tăng thuế phí giao dịch chứng khoán cũng vấp phải sự phản đối của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng cách tính thuế với giao dịch chứng khoán hiện tại đã không còn phù hợp nữa. Trong năm nay Hiệp hội sẽ kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi cách tính thuế với giao dịch chứng khoán. "Đề nghị Bộ Tài chính đối với thuế cổ tức cổ phiếu chuyển nhượng nên theo hướng thay đổi, áp dụng theo thông lệ phổ biến nhất của thế giới, giao dịch có lãi mới tính thuế, cổ phiếu thưởng cũng không bị tính thuế nếu bị lỗ", ông Hải kiến nghị.