Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây, các thành viên thuộc Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá tác động thiệt hại của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam, trong đó có ngụ ý chính sách về tăng mức thuế giao dịch để hạn chế các hoạt động đầu cơ tăng hoạt động đầu tư trên thị trường, đồng thời có thể hỗ trợ đáng kể nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, theo đánh giá của thành viên Ban Kinh tế Trung ương, để tính toán thiệt hại về vật chất do Covid-19 gây nên, nhóm này đã sử dụng giả thiết nếu không có đại dịch thì GDP Việt Nam trong 2 năm 2020 và 2021 sẽ tăng trưởng bình quân 7%/năm. Năm 2020 Việt Nam thiệt hại khoảng 161,4 nghìn tỷ và năm 2021 khoảng 345,9 nghìn tỷ và cả 2 năm 2020-2021 Việt Nam thiệt hại tổng cộng 507,3 nghìn tỷ tính theo giá cố định 2010. Tương đương với khoảng 847 nghìn tỷ theo giá hiện hành 2021, khoảng 37 tỷ USD.
Diễn biến của tăng trưởng kinh tế dưới tác động của đại dịch cũng được phản ánh qua diễn biến thu - chi ngân sách. Nếu không có đại dịch thì thu ngân sách năm 2021 ước tăng so với năm 2019 - là năm trước dịch, khoảng 14,5%. Các tháng trong 5 tháng đầu năm thu ngân sách tổng thể và thu nội địa trong năm 2021 hầu hết đều tăng khá trừ tháng 3 suy giảm mạnh do tháng 3 năm 2019 nguồn thu tăng mạnh đột biến.
Tuy nhiên từ tháng 6 đến tháng 10 thu ngân sách hàng tháng năm 2021 đều giảm so với năm 2019. Mức giảm sâu nhất lên đến 23,9% vào tháng 9/2021, trong đó, thu nội địa giảm tới 29,5%. Diễn biến này phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 và buộc 23 tỉnh thành phải thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt theo chỉ thị 16/CT-CP từ tháng 6.
Nhờ nhanh chóng phủ vaccine trong thời gian ngắn, thay đổi cách thức ứng phó với đại dịch một cách linh hoạt, an toàn và hiệu quả nên từ tháng 10 kinh tế từng bước phục hồi và tháng 11/2021 nguồn thu ngân sách đã tăng vọt so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng đầu năm 2021 thu ngân sách đã vượt 103 so với dự toán, trong đó đóng góp lớn nhất là thu cân đối xuất nhập khẩu đạt 118% so với dự toán và thu dầu thô đạt 164,2% so với dự toán.
Đối với thu nội địa, được hỗ trợ từ các giao dịch chứng khoán tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Với mỗi giao dịch thông thường ngân sách thu 0,1% và với giao dịch cổ phiếu thưởng, trả cổ tức thì ngân sách thu 5%. Năm 2020 giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán 17.984 tỷ đồng/ phiên. Năm 2021 ước tính giá trị giao dịch bình quân tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020, trong 10 tháng đầu năm giá trị giao dịch bình quân đã đạt gần 36.000 tỷ đồng/phiên.
Bên cạnh đó nguồn thu khá lớn từ chuyển nhượng cổ phiếu thưởng và trả cổ tức năm 2021 cũng tăng nhanh, dự kiến năm 2021 có khoảng 9 triệu cổ phiếu thưởng được chia.
Tổng hợp những yếu tố này nguồn thu thuế thu nhập cá nhân trên thị trường chứng khoán dự kiến năm 2021 tăng khoảng 3 lần so với năm 2020, ttrong 5 tháng đầu năm 2021 số thu đã tăng 320% so với cùng kỳ 2020.
"Sự phát triển nóng thị trường chứng khoán đang hỗ trợ một phần đáng kể nguồn thu ngân sách và cũng đưa ra một ngụ ý chính sách về tăng mức thuế giao dịch để hạn chế các hoạt động đầu cơ tăng hoạt động đầu tư trên thị trường, tham luận của nhóm nhấn mạnh.
Đánh giá thêm về chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và kich thích tăng trưởng kinh tế, theo các thành viên của Ban Kinh tế Trung ương, về thị trường vốn, cần tập trung các giải pháp nhằm mục tiêu chính là ổn định tâm lý của nhà đầu tư, theo dõi sát các biến động về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài để có những giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán. Ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trên cơ sở đó phải quản lý đầu tư nước ngoài ngay tại thời điểm thành lập; trường hợp doanh nghiệp FDI đã chuyển đổi thành công ty cổ phần cần phải đáp ứng các tiêu chí về niêm yết trước khi xem xét cho phép niêm yết.
Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market) theo đánh giá của MSCI và FTSE. Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh chứng khoán, sáp nhập, mua, bán doanh nghiệp; hạn chế tình trạng nhà đầu tư thao túng thị trường và thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam. Giám sát chặt chẽ, cảnh báo và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.