September 18, 2021 | 06:00 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Khôi phục sản xuất sau giãn cách, các tỉnh không thể tư duy cho riêng mình

Chu Khôi -

Do giãn cách nên chuỗi cung ứng nhiều loại thủy sản, nông sản  gần như bị đổ vỡ. Ngành Nông nghiệp cần có giải pháp khuyến khích bà con phục hồi sản xuất thì mới có nguyên liệu để chế biến, từ đó có thể tạo việc làm, thu nhập cho lao động tại các nhà máy...

Xuất khẩu thanh long suy giảm do Trung Quốc ngừng nhập tại một số cửa khẩu.
Xuất khẩu thanh long suy giảm do Trung Quốc ngừng nhập tại một số cửa khẩu.

Nhiều doanh nghiệp đã đăng đàn giãi bày những khó khăn và đề xuất giải pháp phục hồi sản xuất tại Hội nghị trực tuyến “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, ngày 17/9/2021.

NỖI LO THIẾU NGUYÊN LIỆU 

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết thời gian gần đây, doanh nghiệp đã tăng giá mua tôm liên tục để khuyến khích bà con thả nuôi tôm. Thế nhưng người dân vẫn e ngại dịch bệnh bùng phát doanh nghiệp không thu mua sản phẩm, nên vẫn chưa thả nuôi tôm lứa mới.

“Chúng tôi lo tháng 10-11 tới không có nguyên liệu để trả các đơn hàng cho đối tác nước ngoài. Do đó, cần triển khai gấp và khuyến khích người dân thả nuôi tôm ngay từ bây giờ để quý 4 có tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đi các nước châu Á, còn các nước ở xa như châu Âu, châu Mỹ thì không kịp", ông Quang đề nghị.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin vào thời điểm giữa tháng 7, nhiều doanh nghiệp chỉ tính toán dịch kéo dài 2-3 tuần chứ không ai đánh giá, ước lượng được dịch kéo dài đến 2 tháng hoặc hơn.

 
"Rất nhiều doanh nghiệp bị động khi dịch kéo dài sang tháng thứ 2. Với áp lực đó, công suất chế biến ngành thủy sản chỉ đạt 30%, nhiều đơn hàng không đáp ứng được".
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP

Về khả năng phục hồi sau khi hết giãn cách, ông Nam cho biết qua khảo sát theo dịch tễ, tiêm vaccine, số ca mắc…, VASEP chia Nam Bộ làm 3 vùng.  Vùng 1, tỉ lệ nhiễm thấp có 6 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Vĩnh Long, chủ yếu doanh nghiệp tôm. 

"Nếu từ giờ trở đi, được nới lỏng theo từng phần để doanh nghiệp sản xuất thì sang tháng 10 khả năng phục hồi khoảng 60%, đến cuối năm sẽ phục hồi 80%" ông Nam dự báo.

Vùng 2, bước đầu kiểm soát được dịch gồm An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, sang tháng 10 sẽ hồi phục được khoảng 50%, cuối năm khoảng 70%.

Vùng 3, tỉ lệ nhiễm cao gồm Tiền Giang, Long An, TP.HCM, Bình Dương, đây là vùng có nhiều doanh nghiệp nhất. Theo tính toán, đến cuối tháng 9 vẫn chỉ hồi phục sản xuất được 20-30%, sang tháng 10 tăng lên 40%, đến cuối năm chỉ đạt 60%.

Theo ông Nam, việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng.

Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine, hoặc đã về quê chưa thể quay lại các nhà máy.

Trước tình này, ông Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án, cùng doanh nghiệp làm việc với địa phương khi trình phương án tổ chức sản xuất trong thời gian mở giãn cách từng phần nhằm khôi phục sản xuất để địa phương phê duyệt nhanh nhất, vì thời gian của năm không còn nhiều.

"Làm sao để nhà máy sản xuất được và càng tối đa công suất càng tốt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế để có hướng dẫn về xét nghiệm Covid cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccine, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi", ông Nam đề xuất.

KHÔI PHỤC SẢN XUẤT CẦN THỐNG NHẤT LIÊN VÙNG

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, mặc dù so với năm 2020, xuất khẩu rau quả vẫn thể hiện sự tăng trưởng nhưng trong ngắn hạn xu hướng là sụt giảm mạnh. Điều này thể hiện từ khi giãn cách xã hội, xuất khẩu rau quả mấy tháng gần đây liên tục sụt giảm.

Trong tháng 8, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà khẩu và Thiên Bảo, thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), làm thanh long trong nước xuống giá mạnh.

 
Thanh long đang là trái cây xuất khẩu chủ lực vào thị trường Trung Quốc, đạt trên 1 tỉ USD mỗi năm, nên các quyết định tạm dừng nhập khẩu của Trung Quốc làm giảm đáng kể tốc độ xuất khẩu cũng như sụt giảm kim ngạch xuất khẩu chung của ngành hàng rau quả.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Mới đây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long của Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng từ ngày 15 – 21/9/2021, do phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long."

Nhận định về thị trường xuất khẩu rau quả trong quý IV, ông cho rằng có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung quốc và châu Âu sẽ hồi phục, nhu cầu sẽ tăng trở lại. 

Để phục hồi sản xuất, ông Bình kiến nghị, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa... cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định làm các thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình mới.

Ghi nhận kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là với tính chất sản xuất nông nghiệp như 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thì cần xem đây là một thực thể kinh tế chứ không phải 13 mảnh ghép địa giới hành chính.

“Các địa phương đang họp bàn giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch, nhưng nếu các tỉnh chỉ tư duy cho địa phương mình thì sẽ không thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc nhở.

Đồng cảm với tâm lý của các địa phương trong việc mời gọi doanh nghiệp về đầu tư, sản xuất tại địa phương mình, song Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý trước khi mời gọi doanh nghiệp, địa phương cần xem xét việc đã tổ chức sản xuất thế nào? Việc tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã để doanh nghiệp liên kết có hay chưa? Chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo theo tiêu chuẩn gì?…

Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần đưa bà con vào hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo vùng trồng, vùng nuôi có mã số, có chứng chỉ chất lượng… cùng với giảm chí phí đầu vào sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều dư địa để giảm chí phí sản xuất thì cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate