Trên đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Diễn đàn nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp - Chào mừng 76 năm ngày hợp tác xã Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 7/4/2022.
Tại diễn đang, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ xây dựng Dự thảo Nghị quyết riêng cho hợp tác xã nông nghiệp.
NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP CHO HỢP TÁC XÃ
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cho biết mô hình hợp tác xã phát triển đa dạng, thích ứng tốt với các điều kiện; trong đó có cả khủng hoảng về xã hội như dịch Covid-19. Trong hơn 2 năm bị dịch Covid, vẫn có trên 2.000 hợp tác xã đã thành lập được doanh nghiệp trực thuộc để cung cấp đầu vào, đầu ra cho hợp tác xã và cho các thành viên tốt hơn.
Đến thời điểm này, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp và 18.327 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số hợp tác xã cả nước với khoảng 3,2 triệu thành viên.
Tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng lên đạt trên 60%. Đặc biệt, hợp tác xã yếu kém có thời kỳ chiếm 30% nhưng nay còn khoảng 8,5%.
"Với sự xuất hiện của các hợp tác xã chúng ta thấy rằng, chất lượng nông sản được tăng lên. Các sản phẩm được bán trên thị trường đảm bảo được tính an toàn, mẫu mã… Thông qua các hợp tác xã đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, trở thành đối tác của nông dân thông qua hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã xây dựng được vùng nguyên liệu, phát triển thị trường" ông Thịnh nhận định.
Tại diễn đàn, nhiều hợp tác xã đã chia sẻ những kinh nghiệm hay. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Xuyên Việt ở Hải Dương, cho biết ban đầu chúng tôi tập trung sản xuất con giống, nuôi cá thương phẩm, tạo ra mắt xích đủ lớn cho công tác chế biến.
Đến nay, mỗi năm hợp tác xã Xuyên Việt cho ra thị trường 5.000 tấn cá rô phi, chủ động con giống hoàn toàn. Sản phẩm của hợp tác xã hướng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, hướng tới sản phẩm xúc xích cá, chả cá, nước sốt, nước lẩu.
Da cá đang được hợp tác xã hướng tới làm thức ăn cho thú cưng, xương làm thức ăn chăn nuôi; vảy liên kết với đối tác Nhật Bản để sản xuất collagen; tận dụng nguồn phân cá, nội tạng cá làm phân bón sinh học, chế phẩm sinh học... Hướng đi sắp tới của hợp tác xã là xây dựng 2 nhà máy chế biến sâu, hiện đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Đúc kết kinh nghiệm xây dựng hợp tác xã thành công, ông Lê Văn Việt cho rằng, cần nhìn vào 2 điểm để chọn ra hướng hoạt động của hợp tác xã. Đó là lợi thế của địa phương và tính bức xúc của ngành nghề đó ở địa phương. Chẳng hạn như trong sản xuất thủy sản mang tính tập trung thì thực tế cho thấy, sản lượng tốt nhưng đầu ra có vấn đề.
Do đó, chúng ta sẽ phải tập trung vào bức xúc nông dân đang gặp. Khi giải quyết được bức xúc đó thì đây là cái đầu tiên để cho các thành viên hợp tác xã đi theo.
“Phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Người đứng đầu phải có tầm, tâm, hiểu được những vấn đề thành viên gặp phải và giải quyết được những vấn đề bức xúc từ tâm lý cho đến vấn đề về vốn, khoa học kỹ thuật, đầu ra… Khi làm được như vậy sẽ tạo được niềm tin với các thành viên, từ đó các thành viên sẽ trung thành và thực hiện theo các quy trình mà hợp tác xã đưa ra”, ông Lê Văn Việt nhấn mạnh.
HỢP TÁC LÀ SỨC MẠNH CẠNH TRANH CHO NÔNG SẢN
PGS.TS.VS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng chuyển đổi số sẽ là “đòn bẩy” quan trọng giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, cắt giảm chi phí. Qua đó, giúp phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao năng suất của hợp tác xã.
“Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, bản thân các hợp tác xã cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu các giải pháp số giúp quản lý, vận hành được thuận lợi. Hợp tác xã cần chú trọng định hướng vào công tác đào tạo con người, thu hút nguồn lực trẻ vào làm việc, tạo tiền cho việc tiếp cận và sử dụng giải pháp số hiệu quả hơn…”, PGS.TS.VS Đào Thế Anh chia sẻ.
Theo Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hợp tác xã Nông nghiệp có thể liên kết sâu với doanh nghiệp nhằm tận dụng nguồn lực tài chính, nhân sự để thúc đẩy chuyển đổi số.
Chẳng hạn như mô hình liên kết giữa Tập đoàn Lộc Trời và Hợp tác xã nông nghiệp An Bình ở An Giang cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao ứng dụng và hỗ trợ hợp tác xã sử dụng trạm quan trắc trong sản xuất lúa, sử dụng máy bay không người lái để bón phân, phun thuốc, sử dụng phần mềm quản lý.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, khi được Trung ương điều ra Hà Nội đảm nhiệm cương vị mới ở ngành nông nghiệp, tôi đã đem theo 6 chữ, giờ nằm trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đó là "hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh". Sở dĩ chữ hợp tác được xếp ở trên vì sống ở trên đời không ai thành công nếu không biết hợp tác".
"Hợp tác xã là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn hơn. Thu nhập của nông dân không chỉ là nông sản mà họ sản xuất ra mà còn ở các hoạt động dịch vụ của hợp tác xã như: phân loại, bảo quản, sơ chế, bao bì, đóng gói, thương mại điện tử".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
"Mỗi lần sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, tôi đều ra cánh đồng thăm các hợp tác xã nông nghiệp của họ và luôn đau đáu một câu hỏi là tại sao đất đai của họ cằn cỗi hơn, mà nông nghiệp lại phát triển hơn chúng ta. Trái xoài, táo, lê... của họ bán giá cao hơn chúng ta", Bộ Trưởng Lê Minh Hoan nêu thực tế.
Kể các câu chuyện về thành công từ sự hợp tác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng khi muốn người nông dân thay đổi, chuyển từ làm ăn cá thể sang tập thể thì bản thân chính chúng ta cũng phải trả lời được câu hỏi làm sao thay đổi suy nghĩ bà con nông dân, kiên trì đi theo con đường này, bởi không phải cứ vào hợp tác xã là sẽ có "cá" ngay.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, chính giá trị kết tinh từ nhiều công đoạn của chuỗi ngành hàng cộng với địa danh, văn hóa, câu chuyện… sẽ hướng tới giá trị thành quả của nông dân, chứ không chỉ là giá cả của nông sản thô.
"Với quy mô sản xuất đủ lớn, hợp tác xã mới xây dựng được thương hiệu cho từng vùng nguyên liệu, trở thành đối trọng trong liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp. Với đầu vào, nông dân được giảm chi phí nhờ mua chung nguyên liệu, vật tư sản xuất… Đầu ra đảm bảo được chất lượng nông sản với quy trình sản xuất đồng bộ. Đó chính là sức cạnh tranh của nông sản", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.