Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất với nhận định chung của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Đặc biệt là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư ở nhiều địa phương đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất với diễn biến rất phức tạp và biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Đời sống của nhân dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân, nhất là những người có thu nhập thấp đã giảm mạnh.
QUÝ 3 GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN, 4/12 CHỈ TIÊU NĂM 2021 KHÔNG ĐẠT
Do đó, Bộ trưởng cho biết việc đạt được 8/12 chỉ tiêu do Quốc hội giao và không đạt 4/12 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP là phản ánh sát với tình hình thực tế của kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh hết sức khó khăn của quý 3/2021.
Từ công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rút ra các bài học sâu sắc về quản trị hệ thống y tế, quản trị xã hội, quản trị nhà nước với những tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 vừa qua với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là quyết định đúng đắn, kịp thời và quan trọng, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để chúng ta phục hồi kinh tế nhanh trong những tháng cuối của năm 2021 và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Giải trình cụ thể vấn đề liên quan việc đánh giá tác động của Nghị quyết 128, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần 1 tháng triển khai Nghị quyết, tình hình kinh tế - xã hội của tháng 10 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.
GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHẬM DO NHIỀU NGUYÊN NHÂN
Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 và chậm giải ngân kế hoạch vốn được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng cho theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ kế hoạch ngân sách trung ương 2021, Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần trước ngày 31/12/2020, tức là ngay cuối năm 2020 đã giao đầy đủ.
“Theo đó, các bộ, các ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể”, Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng, việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung ở 3 chương trình mục tiêu quốc gia và phân bổ chi tiết cho các dự án cụ thể tại một số bộ, ngành, địa phương.
Ở 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng cho biết hiện nay các thủ tục theo quy định của pháp luật vẫn chưa hoàn tất. Chính phủ đang chỉ đạo trong tháng 11-12 này phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay vào đầu năm 2022.
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc, miền núi, Bộ trưởng cho biết trong tuần tới sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ, để có thể giao vốn chi tiết và triển khai ngay đầu tháng 12 năm nay. Còn 2 chương trình kia cố gắng hoàn thành trong tháng 12 để đầu năm 2022 có thể triển khai.
Về việc phân bổ chi tiết của các bộ, các ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới của năm 2021.
“Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công”, Bộ trưởng thông tin.
Còn với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục đầy đủ và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định của Nghị quyết 29 của Quốc hội.
Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ các nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân đã tồn tại từ lâu như: chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu...
Còn riêng năm 2021, các lý do dẫn tới chậm giải ngân gồm việc tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự mới; tác động của Covid-19 buộc phải giãn cách xã hội và dẫn đến ảnh hưởng cho tiến độ; giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ đang trình Quốc hội một đề án trong đó tách giải phóng mặt bằng và tái định cư thành một đề án riêng để cho phép thực hiện trước, đảm bảo làm sao rút ngắn thời gian, tiến độ để thực hiện dự án.
Về việc sửa đổi pháp luật được một số đại biểu nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc sửa đổi Luật Đầu tư công cơ bản đã hoàn thành.
“Chính phủ cũng đang hoàn thiện dự án luật để sửa đổi 10 luật, trong đó sẽ giải quyết tiếp tất cả những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công, để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, rồi đẩy nhanh tiến độ hơn theo ý kiến của các đại biểu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.