Sáng 7/11, giải trình trước Quốc hội về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan của Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc lại các kiến nghị của đại biểu về vấn đề này.
Theo đó, các đại biểu đề nghị cần phải có những chính sách đặc thù, mạnh mẽ hơn, tạo đột phá cho thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, có thể khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế của mình để trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng yêu cầu bổ sung thêm những số lượng, mở rộng phạm vi các chính sách ưu đãi, đồng thời đảm bảo không để lợi dụng trong việc trốn thuế, chuyển giá, bảo đảm các yếu tố về quốc phòng, an ninh, do đây là một vị trí hết sức quan trọng của vùng Tây Nguyên.
Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện, tiếp thu dự thảo nghị quyết, cũng như trong tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội một cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp thành phố và cấp huyện.
"Từ trước đến nay, chúng ta chưa có lần nào, đều là cấp tỉnh, nên đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Do đó, các nội dung chính sách cần đảm bảo phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị và thuộc thẩm quyền của Quốc hội", ông nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nội dung cơ chế đặc thù này phải phù hợp với phạm vi của một thành phố thuộc tỉnh, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cùng với đó, không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã được xây dựng và thống nhất.
Dựa trên Kết luận 67 của Bộ Chính trị, phạm vi và quy mô của các chính sách được xây dựng 5 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội cho thành phố.
"Cơ quan soạn thảo đã lựa chọn một số chính sách mang tính đặc thù và tương đồng với các chính sách mà Quốc hội đã cho phép áp dụng đối với các địa phương khác, nhưng chỉ trong phạm vi của thành phố Buôn Mê Thuột thì chúng ta sẽ đảm bảo được 2 nguyên tắc, đó là tính tương đồng, tương quan và áp dụng trên một địa giới hành chính cấp huyện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dung nêu rõ.
Do đó, dù có những ý kiến đại biểu góp ý, nhưng nằm ngoài các nguyên tắc và các nhóm nhiệm vụ trên, nên cần lựa chọn các chính sách phù hợp - Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng nêu rõ, để thực hiện Kết luận 67, Chính phủ đã xây dựng một chương trình hành động cụ thể với 32 nhiệm vụ cụ thể và 17 dự án trọng điểm để không trùng vào các nhiệm vụ, các dự án đã nằm trong chương trình hành động của Chính phủ.
"Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23 cho vùng Tây Nguyên, sắp tới Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho cả vùng Tây Nguyên cũng như các vùng khác theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Vấn đề này chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu để trình cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho Đắk Lắk nói chung và cho cả vùng Tây Nguyên trong thời gian tới để thực hiện", ông nêu rõ.
Cụ thể về các chính sách ưu đãi, Bộ trưởng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn ra một số bám sát vào Kết luận 67, đó là trong 2 lĩnh vực nông sản và cà phê, để trở thành một thành phố cà phê, thủ phủ cà phê, một thương hiệu quốc gia.
"Trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thực hiện để các cơ chế, chính sách này đi vào cuộc sống và sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá để bổ sung những chính sách mới phù hợp. Chính phủ sẽ báo cáo lại Quốc hội trong quá trình sơ kết, tổng kết và đánh giá sau này", Bộ trưởng cho biết.