Trả lời tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề ùn tắc nông sản vào sáng 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nông sản nếu cứ làm theo cách cũ sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường. Còn về ùn tắc nông sản, trước mắt với tinh thần "tắc đâu thì phải thông đấy".
CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN CÒN LUẨN QUẨN
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân ùn ứ hàng hóa, nhất là nông sản tại các cửa khẩu trong thời gian qua và giải pháp khắc phục.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ nguyên nhân, thứ nhất là do Trung Quốc thực hiện chính sách Zezo Covid. Thứ hai, hàng hóa nông sản của Việt Nam xưa nay bán qua biên giới chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và sản phẩm xuất sang Trung Quốc chủ yếu sản xuất không theo quy hoạch và cũng không đạt được tiêu chuẩn cho nên bị ùn tắc.
Về giải pháp Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ có chỉ đạo thống nhất quan điểm trao đổi với Bộ đối tác Trung Quốc để xây dựng một quy trình thông quan. Trước hết, thành lập một vùng xanh an toàn cho hàng hóa. Tiếp theo, thống nhất quy trình để giao nhận hàng hóa ở biên giới được thuận lợi. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh có cửa khẩu phải hỗ trợ đối với các chủ hàng, các phương tiện vận tải.
Bên cạnh đó, thông tin thường xuyên đối với vùng trồng, vùng nuôi ở những địa phương có sản phẩm để có sự hợp tác tốt để khi cửa khẩu của phía bạn không mở do Covid-19 thì cũng sẽ không gây sức ép cho các địa phương có cửa khẩu này.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động tiêu thụ trên thị trường nội địa bằng cả hình thức truyền thống và thương mại điện tử, chỉ đạo các thương vụ của chúng ta ở nước ngoài tăng cường kết nối giao thương để từng bước chúng ta sẽ mở rộng các thị trường.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) về ùn ứ nông sản, cho thấy chiến lược lưu thông hàng hoá "bế tắc", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hàng hóa ùn ứ cho thấy chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản rõ ràng còn luẩn quẩn, có nhiều bế tắc.
Để giải bài toán này, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã không dưới 3 lần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần phải có phương án quy hoạch lại vùng trồng vùng nuôi, phải bám sát tín hiệu của thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, gần đây Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao đổi, hướng dẫn thông tin và tập huấn cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm để chính các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (do Bộ Công Thương quản lý) hướng dẫn về cách làm, tiêu chuẩn, tập quán tiêu dùng của địa phương.
“Đây là câu chuyện dài hơi, cũng là cách để chúng ta chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, bán tiểu ngạch sang chính ngạch. Trước mắt, phải nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết ùn tắc biên giới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, đầu tuần trước, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch, với những tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện hàng hóa cụ thể. Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề án này. Hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ thông qua, đây sẽ là cơ sở để triển khai.
PHẢI THAY ĐỔI THÓI QUEN “LÀM ĐƯỢC CÁI GÌ, BÁN CÁI ĐÓ”
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt câu hỏi, vấn đề xuất khẩu nông sản bằng con đường chính ngạch đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, trách nhiệm Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu trong sự chậm trễ này và khi nào thì vấn đề được giải quyết?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cần dứt khoát xoay lại sản xuất theo tiêu chuẩn và tín hiệu của thị trường. Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án xuất khẩu qua biên giới theo chính ngạch và Chiến lược xuất nhập khẩu cũng được Bộ Công Thương trình lên Chính phủ cách đây 2 ngày.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, thị trường nội địa là rộng lớn, tuy nhiên, thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ phải chinh phục. Bởi trước đây hoạt động thương mại xuất khẩu chính ngạch rất ít, nhưng tiểu ngạch lại nhiều. Bây giờ Trung Quốc cũng đang đề xuất để trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Như vậy, hàng hóa vào Trung Quốc sẽ không còn dễ dàng như trước nữa. Theo đó, tiêu chuẩn hàng hóa vào Trung Quốc bây giờ phải đạt tiêu chuẩn của khu vực, của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải thay đổi để thích ứng.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã trả lời những câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã là thành viên của WTO, thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công Thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất.
“Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai, nhưng bây giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó”, Bộ trưởng nêu rõ.
Vì vậy, để nâng cao được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài để tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.
Đồng thời, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, khi đó nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên và hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.