Trong cuộc trao đổi với báo chí trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh rằng năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10...
Thưa Bộ trưởng, trên 24 triệu học sinh các cấp bắt đầu bước vào năm học mới. Xin ông chia sẻ về các nhiệm vụ của ngành trong năm học mới khá đặc biệt này?
Về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã được thể hiện trong Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.
Bước vào năm học mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức. Bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch. Đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... Những hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng sẽ là công việc quan trọng mà ngành Giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới.
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ về phổ cập đối với mầm non, xây dựng xã hội học tập. Thực hiện lộ trình để tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, có chiều sâu, đạt tới các mục tiêu chất lượng giáo dục đại học ngày càng cao...
Năm học 2022-2023 cũng sẽ là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục và là năm kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 để lại. Vậy để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới ngành giáo dục cần phải như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Cần phải khẳng định rằng lần đổi mới này rất sâu sắc, toàn diện, triệt để và diễn ra rất nhanh cùng với khối lượng công việc lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn.
Năm học 2022-2023 và các năm tới sẽ là giai đoạn trọng tâm của quá trình đổi mới. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan.
Vì thế, trong các chuyến công tác tại địa phương, tôi đều nhấn mạnh nhiệm vụ này với mong muốn các địa phương dành sự quan tâm, đầu tư tập trung cho những năm tới đây.
Có thể nói, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT giống như người thiết kế, còn thi công thành công đến đâu phụ thuộc rất lớn vào địa phương, trong đó, đặc biệt là tầm nhìn, cũng như nhận thức và tư duy đổi mới.
Qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều nơi học sinh phải học chay do địa phương khó khăn về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Vì thế, rất cần các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa.
Thưa Bộ trưởng, vào năm học mới nhiều gia đình đang lo lắng đến việc tăng học phí và các khoản thu khác. Xin Bộ trưởng cho biết lộ trình tăng học phí theo quy định như thế nào?
Theo Nghị định 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, năm học 2022-2023 sẽ bắt đầu lộ trình tăng học phí, qua đó nhằm hướng tới mong mỏi tốt hơn về các điều kiện dạy và học.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 2 năm dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Qua nghiên cứu số liệu thu nhập bình quân đầu người quý 1/2022 so với năm trước thì mức thu nhập bình quân của người lao động còn thấp.
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Để chia sẻ gánh nặng với phụ huynh, đến nay đã có nhiều địa phương quyết định giữ nguyên mức học phí hoặc miễn hoàn toàn học phí bậc Trung học Cơ sở cho học sinh từ năm học 2022-2023.
Bên cạnh chính sách học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023.
Nếu được triển khai, chính sách này cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh, phụ huynh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa.
Đối với các khoản thu khác ngoài học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn trước đó nhằm “chống lạm thu” đầu năm học mới. Mới nhất, trong công văn gửi tới các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các Sở hướng dẫn các trường thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.
Nhân dịp vào năm học mới, Bộ trưởng có điều gì muốn nói tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên của mình?
Trước thềm năm học mới, tôi muốn gửi đến tất cả các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Chúc cho một năm học mới với nhiều thành tựu và chúng ta cùng nhau nỗ lực để đạt những thành quả tốt nhất cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.
Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm.
Chỉ khi nào lực lượng giáo viên thay đổi tích cực, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này.