August 22, 2019 | 19:13 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số từ những việc gần gũi, thiết thực nhất

Thủy Diệu

"Chuyển đổi số cần thay đổi những thứ gần gũi nhất, thiết thực nhất trước khi nghĩ đến những công việc lớn lao hơn"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông, tổ chức ở Phú Yên ngày 22/8.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông, tổ chức ở Phú Yên ngày 22/8.

Khi triển khai chuyển đổi số chưa cần nghĩ đến những việc xa xôi, chỉ cần nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình, làng xã mình, liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức của mình, sau đó mới nghĩ đến những vấn đề quốc gia, toàn cầu.

Thông điệp được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông, tổ chức ở Phú Yên ngày 22/8.

Làm cách mạng đôi khi phải tư duy ngược

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số cần thay đổi những thứ gần gũi nhất, thiết thực nhất trước khi nghĩ đến những công việc lớn lao hơn. "Tư duy làm sao để mẹ mình bán được nải chuối nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, có lợi nhuận hơn là đã tốt lắm rồi. Bằng cách nghĩ như thế chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn", Bộ trưởng Hùng nói.

Theo ông, Việt Nam cần hàng trăm ngàn công ty khởi nghiệp nhỏ, quy mô 5-10 người, đi sâu vào giải quyết những vấn để thường nhật của cuộc sống, với quy mô nhỏ, tại các làng, xã, tỉnh, thì quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra rất nhanh.

Việt Nam không trải qua 3 cuộc cách mạng trước, kinh nghiệm cũng không nhiều, theo Bộ trưởng Hùng, điều này nếu nhìn một góc nào đó sẽ là lợi thế. "Nhiều người nghĩ mình phải có nền tảng quá khứ thì đi nhanh hơn nhưng khi cuộc cách mạng xảy ra thì thường những người ít quá khứ sẽ nhanh hơn. Quá khứ thành công đôi khi là một gánh nặng", Bộ trưởng nói.

Ông lấy ví dụ, chẳng hạn, một nhà mạng vốn đã có hạ tầng 2G, 3G, 4G, nay yêu cầu phải xây mới nền tảng 5G quá tốn kém thì sẽ rất băn khoăn. Tuy nhiên một nhà mạng mới toanh chưa từng đầu tư gì cả có thể nhảy vào đầu tư ngay 5G không phải suy nghĩ, do đó sẽ bắt kịp rất nhanh.

Hoặc một hạ tầng đã đầu tư bao nhiêu năm nay, tốn hàng ngàn tỉ USD, đang vận hành tốt nhưng cần phải bỏ đi để xây dựng cho Công nghiệp 4.0 thì chắc chắn sẽ khó ra quyết định. Tuy nhiên nếu một tổ chức mới toanh không có nền tảng gì trước đó thì sẽ sẵn sàng hơn trong việc đầu tư công nghệ mới.

Theo ông, những quốc gia, tổ chức thành công sẽ tạo thành một hệ tri thức. Những kinh nghiệm và tri thức đó có thể dùng cho tương lai hay không sẽ là một vấn đề. Trong khi đó để làm cách mạng thì đôi khi phải tư duy ngược. Những người chưa có bài toán thành công trước đó thì sẽ tiếp thu kiến thức mới nhanh hơn.

Bộ trưởng Hùng cũng lấy ví dụ người Nhật có tư duy làm gì cũng không được sai, do đó sản phẩm điện tử của người Nhật có chất lượng hoàn hảo, bán khắp thế giới. Do vậy, câu chuyện 4.0 hiện nay cần tư duy sai càng nhanh càng tốt và sai trên phạm vi nhỏ chấp nhận được. Đối với người Nhật chẳng hạn, thì việc chấp nhận sai có thể sẽ khó hơn, trong khi người Việt sẽ dễ dàng thử và sai, rút ra bài học nhanh.

Liên hệ tới Phú Yên, Bộ trưởng cho rằng, vùng đất này xa xôi, nhà đầu tư chưa tiếp cận tới lại là một lợi thế. Vì tỉnh này vẫn còn hoang sơ, vẫn còn "đất", không bị đầu tư "lỗ chỗ", do vậy Phú Yên có thể quy hoạch để thử nghiệm nhiều thứ mới tốt hơn. Và chính những khó khăn hiện tại của Phú Yên sẽ là nền tảng để sáng tạo.

Chẳng hạn bà con vùng xa xôi hẻo lánh sẽ khó tiếp cận được nền giáo dục tốt nhất, khó điều mọi giáo viên giỏi nhất về vùng hẻo lánh. Như vậy có thể thử chương trình giáo dục trực tuyến. Đưa những chương trình giáo dục trực tuyến tốt nhất về đồng bào. Nếu thực hiện tốt việc này, Phú Yên có thể trở thành tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng giáo dục qua mạng Internet.

Ông cũng cho rằng, để trang bị cho người dân Phú Yên thành công dân điện tử, thì chỉ cần phát triển hai thứ: gia tăng tỷ lệ sở hữu smartphone của người dân, đồng thời đẩy mạnh chính phủ điện tử. Giải quyết được hai bài toán này việc chuyển đổi số của tỉnh sẽ diễn ra nhanh hơn.

Mô hình thử nghiệm mới: Cơ quan Nhà nước nên đi đầu

Một đại biểu đặt câu hỏi về cơ chế đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, Bộ trưởng cho rằng nếu chờ ngành giáo dục đổi mới thì sẽ mất nhiều năm, do đó việc đào tạo hiệu quả nhất hiện nay là tại các doanh nghiệp. Đào tạo tại doanh nghiệp thực hiện song song với đổi mới giáo dục sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực giỏi hơn, chứ không thể chỉ chờ ngành giáo dục.

Bởi, các doanh nghiệp có một lợi thế là có công việc thực tiễn và có cơ sở vật chất, có người đi trước. Việt Nam có 700 ngàn doanh nghiệp, chính những doanh nghiệp đó sẽ thực hiện nhiệm vụ đào tạo những người mới ra trường để có kỹ năng cần thiết phục vụ cho doanh nghiệp của mình.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần đưa chuyển đổi số vào giáo dục. Chẳng hạn không thể đòi hỏi hàng triệu giáo viên phải xuất sắc như nhau, do đó phải có giải pháp học trực tuyến, một giáo viên giỏi sẽ truyền đạt kiến thức và đánh thức khả năng học hỏi ở học sinh. Tuy vậy, vẫn cần phải có một giáo viên hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho 30 học sinh tại lớp.

Một đại biểu khác hỏi về cơ chế sandbox, mô hình thử nghiệm cái mới, đồng thời thắc mắc có phải sandbox chỉ dành cho các công ty khởi nghiệp, các đơn vị nhà nước khi cần thử cái mới có được áp dụng cơ chế sandbox hay không.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ chế sandbox được ứng dụng cho những thử nghiệm mới ở bất kỳ tổ chức nào, thậm chí cơ quan nhà nước nên đi đầu. Bộ trưởng cho rằng khi thử nghiệm cái mới sẽ phải vướng rào cản này kia. "Cái mới sẽ luôn luôn vướng các quy định này nọ. Nếu chị đưa ra một giải pháp mà cơ quan nào cũng đồng tình, quy định có sẵn thì không còn là mới nữa", ông cho biết.

Do đó cần thử nghiệm những mô hình mới trong phạm vi nhỏ, đối tượng ít, sau đó mới tiến hành nhân rộng.

Tất nhiên, chuyển đổi số, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cũng có những thách thức nhất định. Thách thức lớn nhất trong quá trình này chính là những mối quan hệ mới được nảy sinh, có chấp nhận các mối quan hệ mới đó hay không.

Chẳng hạn taxi công nghệ như Grab, Uber là mô hình mới hoàn toàn, trước nay chưa có. Các công ty này cung cấp dịch vụ taxi nhưng lại không phải là công ty vận tải, mà là một nhà cung cấp nền tảng. Do đó chính sách phải thay đổi để chấp nhận một khái niệm mới. Hay nền tảng cho thuê nhà Airbnb cho phép mọi người dân kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Đây là những hình thức mới giúp mọi người có thể kinh doanh, nhưng làm sao để quản lý hoạt động, làm sao để thu thuế là các vấn đề mới phát sinh cần giải quyết.

"Hoặc trên mạng xã hội có những người có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí sức ảnh hưởng còn lớn hơn báo chí. Mọi người có tự do biểu đạt chính kiến, nhưng làm thế nào nếu người có ảnh hưởng này lại làm ảnh hưởng đến người khác, tự do của người này làm ảnh hưởng đến tự do của người khác. Đó chính là những vấn đề thách thức trong thời đại mới", Bộ trưởng Hùng nêu quan điểm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate