December 02, 2020 | 16:04 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phải có cách tiếp cận mới để phổ cập an toàn an ninh mạng

Thủy Diệu

"Cường quốc an ninh mạng cũng như cường quốc quân sự, công nghiệp an ninh mạng cũng như công nghiệp quốc phòng"

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 sáng 2/12.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 sáng 2/12.

Một sự kiện rất lớn của an toàn an ninh mạng Việt Nam năm nay là tuyên bố Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chỉ đầu năm 2021 Việt Nam sẽ làm chủ 100%, rất ít nước trên thế giới làm được việc này. Đây là tự hào của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thông tin trên tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 với chủ đề: "An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam – yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia", do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức, sáng 2/12.

Theo Bộ trưởng Hùng, cường quốc an ninh mạng cũng như cường quốc quân sự, công nghiệp an ninh mạng cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng cũng phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Sứ mệnh của an toàn an ninh mạng Việt Nam là bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Trách nhiệm trên đặt lên vai các các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng và cũng là trách nhiệm của Hiệp hội An toàn thông tin.

Muốn làm tốt việc này, theo Bộ trưởng Hùng, Việt Nam phải làm chủ hệ sinh thái các sản phẩm an toàn an ninh mạng. Chúng ta phải xây dựng được một nền công nghiệp an toàn an ninh mạng hùng mạnh. 

"Nước nào ít người giỏi, ra chậm "vác-xin" thì sẽ gặp nguy hiểm"

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo, nhưng tất cả các quốc gia đều lo lắng về vấn đề an toàn an ninh mạng trong thế giới ảo. Niềm tin số sẽ trở thành yếu tốt quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. 

Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin số khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là công nghệ mà các quốc gia có thể làm chủ được công nghệ mà mình sử dụng. Công nghệ mở cũng giúp cho thế giới được hòa bình. Hiện nay nhiều quốc gia tuyên bố chỉ mua công nghệ khi công nghệ là mở. Nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. 

Việt Nam phát triển 5G là dựa trên chuẩn mở. Mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở. Bộ trưởng Hùng cho rằng, đây sẽ thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển an toàn an ninh mạng Việt Nam. Các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng phải hợp tác chặt chẽ và ngay từ đầu với các doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ ICT để các sản phẩm, dịch vụ và hệ thống ICT Việt Nam phải được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. 

"Chúng ta phải xây dựng một đội ngũ các chuyên gia an toàn an ninh mạng làm nòng cốt. Riêng về lĩnh vực an toàn an ninh mạng thì chuyên gia giỏi và nền công nghiệp là quan trọng ngang nhau", ông nói và cho rằng, ngoài doanh nghiệp, công cụ, còn cần các cá nhân xuất sắc vì công cụ chỉ xử lý được những lỗ hổng đã biết. Những lỗ hổng chưa biết thì chỉ có chuyên gia mới có thể xử lý được. Thí dụ khi kẻ địch tung ra một loại virus mới thì công cụ đã có không thể xử lý được, chỉ có chuyên gia giỏi mới ra được "vác-xin" mới để xử lý. Nước nào ít người giỏi, ra chậm "vác-xin" thì sẽ gặp nguy hiểm. 

Đội ngũ này, theo ông Hùng nằm ở các doanh nghiệp là chính nhưng khi cần thiết khi đất nước lâm nguy thì có thể trưng dụng. Hiệp hội An toàn thông tin nên cân nhắc đứng ra liên kết mạng lưới này. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn coi Hiệp hội như một bộ phận quan trọng trong hệ thống an toàn an ninh mạng quốc gia. 

Phải phổ cập an toàn thông tin

Chuyển đổi số là công cuộc toàn dân toàn diện, ứng dụng số sẽ là phổ cập, nên theo Bộ trưởng Hùng, đảm bảo an toàn an ninh mạng cũng phải được phổ cập. Muốn phổ cập thì phải rẻ, dễ dùng, các doanh nghiệp an toàn thông tin phải có cách tiếp cận mới để phổ cập an toàn an ninh mạng đến mọi cá nhân và tổ chức. 

Như, theo gợi ý của Bộ trưởng, đó có thể là các sản phẩm an toàn an ninh mạng được phát triển dưới dạng các nền tảng (platform), cung cấp an toàn an ninh mạng như dịch vụ...

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng có những cách tiếp cận mới, cả về công nghệ, sản phẩm, marketing để đẩy nhanh phổ cập sản phẩm dịch vụ an toàn an ninh mạng đến mọi người, mọi tổ chức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam mỗi năm nên nhận về mình một số công việc mới, không chỉ là hỗ trợ các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng mà còn hỗ trợ cho người dân xã hội, như việc soạn thảo và phổ cập cuốn cẩm nang về an toàn an ninh mạng dành cho tổ chức doanh nghiệp và người dân, đó có thể là miễn phí và phổ cập phần mềm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. 

"Chiếc iPhone, iPad của các em chỉ truy cập vào được các trang web lành mạnh. Hiệp hội nên đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình", ông nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, VNISA cần có một sứ mệnh lớn, bởi sứ mệnh lớn không chỉ là trách nhiệm, sứ mệnh lớn thì mới tạo ra không gian lớn, tạo ra năng lượng lớn, mới liên kết sức mạnh giữa các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng. Và sứ mệnh lớn nên có được sử  ủng hộ của toàn dân, toàn xã hội và quản lý nhà nước. Và chỉ khi đó các doanh nghiệp mới phát triển lớn mạnh được.

"Hiệp hội VNISA và các doanh nghiệp phải lấy sứ mệnh của quốc gia làm sứ mệnh của chính mình. Việt Nam cần tham gia tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động an toàn an ninh mạng quốc tế. Tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate