April 27, 2024 | 17:00 GMT+7

Bộ Y tế đề nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Nhật Dương -

Theo Bộ Y tế, trong dịp 30/4 - 1/5 nhu cầu đi lại sẽ tăng cao, vì thế các địa phương cần xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ này, và cao điểm hè năm 2024...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin được Bộ Y tế đề cập trong văn bản vừa gửi các tỉnh, thành phố về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh

Bộ Y tế cho biết tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh như sởi, ho gà... được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tháng 4 năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Ở trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu..., và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, bệnh dại hiện cũng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tháng 4 năm 2024 đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1), đây là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014; đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2).

Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024 và cao điểm du lịch hè 2024 sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, và công tác tiêm chủng mở rộng.

Các địa phương xây dựng, trình Hội đồng nhân dân ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương, theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo đúng quy định.

​Bộ Y tế cũng đề nghị các Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.

Đặc biệt, xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ ngày 30/4 và 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024.

Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến; đảm bảo hoạt động của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.

Trong đó, đối với bệnh dại, cần đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao, bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng.

Tăng cường sự phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.

Với bệnh sốt xuất huyết, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.

Với bệnh tay chân miệng, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Đối với các bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...), Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Cùng với đó, cần tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Các cơ sở y tế cũng cần thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.

​Đồng thời, thường xuyên rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate