October 29, 2021 | 15:52 GMT+7

Bộ Y tế: Vaccine Pfizer sẽ được tiêm cho trẻ em từ lớp 7 trở lên

Nhật Dương -

Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày)...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Y tế ngày 29/10 tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12 - 17 tuổi. Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc.

Tại cuộc tập huấn, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay, một số vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên.

Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17. 

Tại Việt Nam, Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Đối với việc triển khai tiêm chủng, Bộ Y tế giao các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7. Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi là vaccnine Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế nhấn mạnh, cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng. Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn.

Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vaccine được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất.

Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Về các phản ứng sau tiêm chủng cũng như biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vaccine phòng Covid-19, Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện trẻ em trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.

Bộ Y tế nhấn mạnh, mỗi trẻ em 12 -17 tuổi được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate