July 14, 2022 | 11:07 GMT+7

BofA: Kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay

Đức Anh -

Các nhà phân tích của ngân hàng Bank of America (BofA) dự báo kinh tế Mỹ sẽ xảy ra suy thoái nhẹ trong nửa cuối năm 2022 khi các số lạm phát đè nặng lên người tiêu dùng và cả nền kinh tế...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Getty Images
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Getty Images

Dự báo này được đưa ra sau khi báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Lao động Mỹ) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này đã tăng 9,1% trong tháng 6, vượt xa mức dự báo 8,8% của nhiều nhà phân tích. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/1981, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi của Mỹ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với diễn biến này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có lý do để tiếp tục việc thắt chặt chính sách của mình, theo Business Insider.

"Triển vọng cơ bản trước đây của chúng tôi với nền kinh tế Mỹ cho thấy có suy giảm tăng trưởng, nhưng nhiều xung lực diễn ra đồng thời sẽ ghìm đà tăng trưởng nhanh hơn so với dự báo trước đây của chúng tôi”, các nhà phân tích của BofA cho biết trong một báo cáo công bố ngày 13/7.

Trong bối cảnh điều kiện tài chính thắt chặt khi Fed nghiên về hướng tăng lãi suất nhanh hơn, BofA đã điều chỉnh dự báo của mình. Trước đó, ngân hàng này cho rằng kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái.

Hiện tại, BofA dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 của Mỹ sẽ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đó sẽ tăng 1% trong quý 1 năm sau.

“Fed đã nói về mong muốn khôi phục sự ổn định giá cả và sẵn sàng chấp nhận ít nhất một số thách thức trên thị trường lao động trong quá trình đó. Chúng tôi cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 3,25-3,5% vào cuối năm nay”, nhóm phân tích của BofA viết.

Các nhà phân tích của BofA dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9 và sau đó chuyển về mức tăng thông thường 0,25 điểm phần trăm. Nhóm này cũng lưu ý rằng các biện pháp kích thích của Fed trong giai đoạn đại dịch đang bắt đầu giảm dần và giá cả leo thang đang ăn mòn sức mua của người tiêu dùng mạnh hơn so với dự báo.  

“HIện tượng ‘thuế lạm phát’ đồng nghĩa rằng mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thực đã sụt giảm”, báo cáo của BofA viết. “Với việc lạm phát tăng bắt nguồn từ giá thực phẩm và năng lượng – những mặt hàng có cầu kém co giãn trong ngắn hạn, các hộ gia đình Mỹ có thể sẽ giảm mua sắm các mặt hàng không thiết yếu”.

Dữ liệu lạm phát mới được công bố vài ngày sau khi dữ liệu việc làm cho thấy mức tuyển dụng tháng 6 tăng mạnh hơn dự báo. Điều này cho thấy rằng các nhà tuyển dụng vẫn không nản lòng trước việc chi phí đi vay tăng lên do động thái của Fed. 

"Câu hỏi trị giá triệu Đô-la là Fed sẽ phải hãm phanh mạnh đến mức nào", nhà kinh tế Hernan Moscoso Boedo tại Đại học Cincinnati, nói. "Dữ liệu mới nhất cho thấy lạm phát tiếp tục tăng sẽ gây thêm áp lực với Fed để tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Và điều đó làm tăng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái".

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm leo thang - Ảnh: EPA
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm leo thang - Ảnh: EPA

Trong một tuyên bố ngày 13/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng mức tăng lạm phát của tháng 6  "cao không thể chấp nhận được". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng báo cáo này "thiếu cập nhật". Theo ông, giá khí đốt, chiếm gần một nửa trong mức tăng lạm phát hàng tháng, đã giảm từ tháng trước và điều này mang lại cho các hộ gia đình Mỹ một điểm để họ có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào. 

Trước đó, ngày 12/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái, dù việc tránh suy thoái sẽ ngày càng khó hơn. IMF dự báo GDP của Mỹ năm nay tăng trưởng 2,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 2,9% đưa ra hồi cuối tháng 6.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate