February 15, 2013 | 14:44 GMT+7

Bộn bề nhiệm vụ tài chính ngân sách 2013

Lê Hường

Ngành tài chính đã xác định mục tiêu “tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ”

Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ.
Lạm phát đã giảm tốc độ tăng nhưng công tác điều hành giá cả một số mặt hàng thiết yếu vẫn gây nhiều quan ngại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh gây thách thức lớn cho hoạt động thu ngân sách. Một điều “trăn trở” khác của ngành tài chính trong năm qua là chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước vẫn đang ở những bước đi đầu tiên.

Đầu xuân mới, chúng tôi có cuộc trao đổi với Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ xung quanh những vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 8% đã hoàn thành với sự đóng góp không nhỏ của ngành tài chính. Dù vậy, công tác điều hành giá xăng dầu vẫn là tâm điểm dậy sóng dư luận trong năm qua. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

Đối với mặt hàng xăng dầu, lộ trình thực hiện theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước là chủ trương nhất quán của Quốc hội, Chính phủ và đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt hàng xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ với nguyên tắc cơ bản là: “Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Trong thời gian vừa qua và năm 2012, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định, đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; việc công bố thông tin đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch. Định hướng điều hành giá xăng dầu trong năm qua đã góp phần ổn định giá cả và từng bước minh bạch thị trường của mặt hàng này.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý giá xăng dầu theo các quy định hiện hành vẫn còn một số bất cập cần được xem xét, bổ sung, sửa đổi như: công thức tính giá cơ sở, tần suất điều chỉnh giá, thù lao hoa hồng đại lý, đăng ký giá của doanh nghiệp xăng dầu, về quỹ bình ổn giá cần xem xét kiện toàn ở cả 3 khâu trích lập, sử dụng và quản lý quỹ...

Bên cạnh đó, trong giai đoạn nền kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn sắp tới, vẫn cần phải tiếp tục có những giải pháp để minh bạch hơn thị trường xăng dầu theo định hướng: cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước và hài hòa lợi ích giữa các bên, kiềm chế lạm phát, giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp.

Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gói giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó nhấn mạnh nhóm giải pháp về điều hành giá, kể cả mặt hàng xăng dầu.

Một là, rà soát, bổ sung và sửa đổi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế giá thị trường; Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế; kiểm soát chặt chẽ giá độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá và chuyển giá nội bộ theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá; Ba là, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước, thế giới để chủ động dự báo và có các biện pháp điều hành giá phù hợp; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ bằng nhiều hình thức thích hợp, đưa tin khách quan, trung thực tạo sự đồng thuận xã hội.

Lạm phát giảm, chính sách giãn, giảm thuế đã được áp dụng nhưng hoạt động của doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Chưa xét đến những yếu tố khác, theo Bộ trưởng, chính sách tài khóa có điểm nào chưa thực sự hợp lý xét về mặt hỗ trợ doanh nghiệp?

Việc điều hành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2012 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn và thách thức. Do đó, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả các giải pháp liên quan đến tài chính - ngân sách mà Chính phủ đã xác định trong Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ và Quốc hội thực hiện các biện pháp về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Nhờ đó, các nhiệm vụ tài chính - ngân sách đặt ra cho năm 2012 đã được ngành tài chính thực hiện có kết quả, tạo tiền đề quan trọng, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội đặt ra.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 cũng cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được còn bộc lộ không ít những khó khăn và thách thức.  

Thứ nhất, mặc dù có sự cố gắng lớn trong toàn ngành song thu ngân sách nhà nước năm 2012 cũng chỉ ở mức cơ bản hoàn thành dự toán, một số lĩnh vực và địa phương không đạt được dự toán đề ra.

Thứ hai, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công chưa tạo sự chuyển biến mạnh. Những hạn chế trong phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính công tuy đã được chỉ ra song vẫn còn tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt, vấn đề nợ xây dựng cơ bản chưa được xử lý dứt điểm.  

Thứ ba, tình trạng sử dụng đất đai, trụ sở sai mục đích, lãng phí vẫn còn xảy ra, chế tài trong xử lý sai phạm chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước còn thấp.

Thứ tư, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công triển khai chưa quyết liệt.

Thứ năm, cải cách hành chính, bộ máy quản lý tài chính trong một số khâu còn thiếu đột phá, trình độ quản lý thuế của Việt Nam tuy có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây song vẫn đang ở mức thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ sáu, hạn chế trong công tác phân tích dự báo, đánh giá tác động và hiệu ứng chính sách cũng như phối hợp thực hiện chính sách.

Thưa ông, năm 2013, nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Như vậy, ngành tài chính sẽ tiếp tục “căng sức” trong thực hiện các nhiệm vụ của mình?

Ngành tài chính đã xác định mục tiêu tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 là “Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh tài chính, góp phần tích cực tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới”.

Theo đó, trong năm 2013 sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm. Đó là triển khai thực hiện quyết liệt, có kết quả các giải pháp liên quan đến tài chính, ngân sách mà Chính phủ đã xác định trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP. Đồng thời, ngành tài chính sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách thuế mới như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung.

Đồng thời, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ. Đảm bảo chi trả nợ nước ngoài đến hạn theo các hiệp định đã ký kết, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.

Về công tác điều hành giá, quan điểm điều hành là kiên định thực hiện cơ chế giá thị trường. Đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước còn định giá hoặc kiểm soát giá (điện, than, xăng dầu, giá dịch vụ công) sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.

Bộ trưởng đã từng nhận định: “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là việc khó nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế”. Xin Bộ trưởng cho biết, việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang ở chặng đường nào và định hướng trong năm 2013 là gì?

Để triển khai quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012.

Đề án đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, mà nhiệm vụ đầu tiên là phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm. Đó là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục. Với mỗi nhóm doanh nghiệp, đề án cũng đã đưa ra quyết sách cụ thể.

Cũng theo Đề án, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính và hoàn thành trước 31/12/2015. Bộ Tài chính đã có công văn số 10800/BTC-TCdoanh nghiệp ngày 10/8/2012 hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty triển khai Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến thời điểm 30/11/2012, đối với các doanh nghiệp Trung ương, có 52 tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án trình Bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt, trong đó, 24/52 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc. Đối với các doanh nghiệp địa phương, có 23 đơn vị đã xây dựng đề án trình cơ quan chủ quản, trong đó, có 21 tổng công ty, công ty được phê duyệt Đề án tái cấu trúc.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước là một trong những mục tiêu, chiến lược quan trọng, đã chín muồi, được soi sáng bằng kết quả của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Quốc hội thông qua.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành, địa phương; đặc biệt là huy động sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện, tin tưởng rằng nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ đạt kết quả như mong đợi, đóng góp vào thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate