Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về trách nhiệm cũng như lộ trình giải quyết cụ thể.
Phát biểu tại phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải chiều ngày 7/6, đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của ngành giao thông, nhiều doanh nghiệp chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, "đến nay, một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án", đại biểu Lê Hoàng Anh quan ngại.
CÓ DỰ ÁN SỤT GIẢM 80% DOANH THU, DOANH NGHIỆP TRÊN BỜ PHÁ SẢN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu dẫn chứng, cử tri phản ánh và bức xúc khi nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm, Bộ Giao thông vận tải đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp và doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản.
Vì vậy, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết vấn đề trên.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận bất cập các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT, tuy nhiên, sau đó Nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư tuyến BOT.
Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.
Cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Khi kinh tế - xã hội phát triển, chúng ta tiếp tục xây dựng các quy hoạch, chiến lược, cùng yêu cầu phát triển thực tiễn, khi rà soát, vẫn cần tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối. Do đó, nhiều dự án đã được đầu tư bị ảnh hưởng.
Cũng theo Bộ trưởng, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng.
“Đơn cử, sau khi khánh thành tuyến đường từ Bình Thuận - Dầu Giây - Phan Thiết, tháng vừa qua, tuyến BOT trên Quốc lộ 1A giảm tới 83% doanh thu tại Bình Thuận, chỉ còn 17%, vì đi tuyến này vừa nhanh, vừa vắng và lại không mất tiền", Bộ trưởng cho hay.
Riêng với dự án đại biểu Quốc hội nêu, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư.
Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng nhắc đến một cơ chế chia sẻ rủi ro được nêu rõ trong Luật PPP quy định để giải quyết những bất cập này, đó là khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính, nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho Nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp.
Vướng mắc mà đại biểu Quốc hội nêu trên và nhà đầu tư BOT đang phải xoay xở đến từ việc dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), đoạn Km1738+148 đến Km1763+610 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo hình thức BOT có vốn đầu tư 836 tỷ đồng, quy mô hai làn xe, thời gian thu phí hoàn vốn 20 năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT tại Km1747, Quốc lộ 14. Dự án BOT Đắk Lắk chính thức thu phí hoàn vốn vào ngày 2/11/2015, thời gian thu phí 20 năm 2 tháng (nay còn 16 năm 9 tháng).
Từ khi đi vào hoạt động, dự án góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông quốc lộ qua Tây Nguyên và Đắk Lắk nói riêng, bảo đảm lưu thông thông suốt cho hàng chục nghìn phương tiện mỗi ngày trên tuyến quốc lộ này.
Trớ trêu thay, sau khi thu phí chưa được 5 tháng, đến tháng 4/2016, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định 1313/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2016 về việc phê duyệt dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ được triển khai và sớm đưa vào sử dụng.
Đáng nói, tuyến đường tránh chạy gần song song và chỉ cách tuyến đường BOT do đơn vị quản lý gần 5 km về phía Tây, các phương tiện giao thông chuyển sang đi tuyến đường này, “né” trạm thu phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu phí hoàn vốn của dự án. Doanh thu hoàn vốn của dự án giảm sút nghiêm trọng, trong khi đó, doanh nghiệp dự án bị xếp loại quá hạn tín dụng nhóm 5, làm ảnh hưởng lớn đển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tranh luận thêm về vướng mắc trạm thu phí BOT tại Km1747, Quốc lộ 14, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết năm 2018, các đơn vị trực thuộc Bộ đã có cam kết giảm giá vé sử dụng phí qua trạm BOT này trong bán kính 5km, sau đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất mua lại trạm BOT này. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng khẳng định chờ đến khi nào có kinh phí sẽ mua. Vì vậy, đại biểu cho rằng, trả lời như vậy không thuyết phục và đề nghị Bộ trưởng cho biết lộ trình cụ thể.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) cũng nêu rõ Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và kết luận vào tháng 4/2022 nhưng đến nay qua hơn 1 năm chưa có phương án giải quyết. Trong văn bản của Bộ trả lời cử tri Gia Lai cũng đều khẳng định sẽ sớm giải quyết nhưng không nêu thời điểm cụ thể. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, sớm là đến bao giờ?
8 DỰ ÁN "THOI THÓP" CHỜ CƠ CHẾ
Không chỉ riêng dự án BOT Đắk Lắk đứng trước nguy cơ phá sản mà hàng loạt dự án BOT đang ngấp nghé nguy cơ vỡ phương án tài chính do lưu lượng và doanh thu sụt giảm mạnh.
Điều đáng nói, điều khiến các dự án "khốn đốn" không xuất phát từ phía các nhà đầu tư mà do chính sách, quy định pháp luật thay đổi, hay Nhà nước hoặc địa phương điều chỉnh, thay đổi quy hoạch, xây dựng các tuyến đường mới dẫn đến tình trạng phân lưu dòng xe, làm dự án sụt giảm mạnh doanh thu.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ bố trí 10.340 tỷ đồng mua lại 5 dự án BOT và mua một phần của 3 dự án đang gặp vướng mắc, thua lỗ, bởi 8 dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ.
Theo ghi nhận, có dự án thu phí song doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng. Nhiều năm qua, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư tìm giải pháp nhưng không khả thi. "Các dự án BOT không được xử lý sẽ phá vỡ phương án tài chính, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông", Bộ Giao thông vận tải cho hay.
Do đó, Bộ đàm phán với các nhà đầu tư về phương án sửa đổi hợp đồng theo hướng: xóa bỏ trạm thu phí hoặc kéo dài thời gian thu, nhà đầu tư giảm lợi nhuận. Sau khi đàm phán, có 3 dự án khả thi để tiếp tục thực hiện hợp đồng; 5 dự án còn lại bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi, do đó, Nhà nước cần mua lại để chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, 5 dự án được đề xuất mua lại gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỷ đồng; BOT vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa với 892 tỷ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, TP. Cần Thơ với 1.754 tỷ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỷ đồng. Cùng với đó là BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk được Đại biểu Quốc hội nhắc nhiều lần tại phiên họp chiều nay, với giá trị mua lại 745 tỷ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi nhà nước bố trí ngân sách mua lại.
Ngoài ra, có ba dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư công trình. Đó là dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam) được đề xuất bố trí 717 tỷ vốn ngân sách, thời gian hoàn vốn kéo dài 35 năm, nhà đầu tư cam kết giảm 50% tỷ suất lợi nhuận; dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì dự kiến bổ sung 533 tỷ đồng, kéo dài thời gian hoàn vốn 22 năm; dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến bổ sung 2.280 tỷ đồng, kéo dài thời gian thu phí khoảng 28 năm.
Với nguồn vốn khoảng 10.340 tỷ đồng để xử lý 8 dự án, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối nguồn vốn phù hợp báo cáo Chính phủ thông qua.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có giải pháp phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư như cho khoanh nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất vốn vay đối với các khoản vay tín dụng.