December 14, 2022 | 17:33 GMT+7

Quy trách nhiệm, làm rõ căn cứ pháp lý để dùng ngân sách thanh toán cho loạt dự án BOT "bế tắc"

Anh Tú -

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổng kết, đánh giá toàn diện vướng mắc, bất cập của các dự án giao thông đầu tư theo phương thức BOT, trong đó, làm rõ trách nhiệm, căn cứ pháp lý để nhà nước bố trí ngân sách thanh toán cho các nhà đầu tư....

Nhiều dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, dư nợ ngày càng tăng khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Nhiều dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, dư nợ ngày càng tăng khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Văn bản số 8352/VPCP-CN thông tin chỉ đạo của Chính phủ về việc nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Cụ thể, vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo 1834/TB-TTKQH ngày 28/11/2022 thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông vận tải quản lý.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thông báo trên.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện vướng mắc, bất cập của các dự án giao thông đầu tư theo phương thức BOT.

Đồng thời, "bổ sung, làm rõ tác động có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp, chính sách xử lý vướng mắc, bất cập; làm rõ trách nhiệm, căn cứ pháp lý để nhà nước bố trí ngân sách nhà nước thanh toán cho các nhà đầu tư… để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Phó Thủ tướng đề nghị.

Liên quan đến vướng mắc tại các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ quản lý.

 

Trong tổng số 72 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo phương thức PPP do Bộ Giao thông vận tải quản lý, đến nay còn 4 dự án có bất cập về trạm thu phí, 1 dự án có phương án thu phí không khả thi và 3 dự án vướng mắc về doanh thu dẫn đến phá vỡ phương án tài chính chưa được giải quyết.

Đây là các dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí hoặc không thể thu phí do mất an ninh trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ, nhiều dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế chỉ đạt 30% so với hợp đồng...

Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn 8 dự án BOT có bất cập để đề xuất xử lý sau khi đã có sự thống nhất với nhà đầu tư.

Cụ thể, 2 dự án đề xuất mua lại gồm: dự án Đèo Cả; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100.

6 dự án khác được Bộ Giao thông vận tải đề xuất xử lý bất cập bao gồm: dự án hạng mục đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610;

Cùng với đó là dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1; dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C.

 

Theo tính toán sơ bộ, nguồn vốn nhà nước dự kiến cần bố trí để xử lý vướng mắc, bất cập ở 8 dự án BOT khoảng 13.115 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xem xét, bố trí từ vốn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate