Tiếp nối đà tăng điểm của tháng 12/2023, VN-Index tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng (+3,04%) trong tháng 1/2023 với dòng tiền hướng đến nhóm “cổ phiếu vua” – ngành Ngân hàng. Đà tăng ấn tượng của nhóm Ngân hàng từ cuối tháng 12/2023 giúp VN-Index vượt qua diễn biến giằng co và bước vào nhịp tăng điểm tốt hướng đến ngưỡng 1.200 điểm.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của TBT, Chủ tịch nước Trung Quốc tới Việt Nam bên cạnh quyết định quan trọng của Quốc hội khi thông qua 02 dự án Luật sửa đổi quan trọng (Đất đai, Tổ chức tín dụng) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phát trong thời gian tới. Kết quả kinh doanh quý 4 các doanh nghiệp dần được công bố sẽ phản ánh cụ thể về tình hình các doanh nghiệp và sự phân hóa cổ phiếu sẽ rõ nét hơn.
BSC Research tvừa đưa ra dự báo các kịch bản cho VN-Index năm 2024. Theo đó, ở kịch bản tích cực Vn-Index hướng đến 1.425 điểm; Kịch bản tiêu cực tiệm cận 1.200 điểm; Kịch bản cơ sở 1.298 điểm xác suất cao hơn.
Năm 2024 được BSC dự báo sẽ là năm tiền đề trong một chu kỳ mới về cả kinh tế lẫn chứng khoán sắp đến. BSC cho rằng năm 2024 sẽ là năm cho thấy nhiều cơ hội hơn so với mức nền tương đối khó khăn năm 2023, với dự phóng lợi nhuận dự kiến sụt giảm khoảng - 5%, tạo mức nền thấp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận 2024.
BSC nhận thấy giai đoạn hiện tại có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 2014-2016 giai đoạn chuyển tiếp sang chu kỳ mới bao gồm: Nền lãi suất cũng ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Tập trung đẩy mạnh đầu tư công; Xuất khẩu phục hồi quay lại đà tăng trưởng và Làn sóng FDI quay trở lại. Do đó, BSC cho rằng giai đoạn 2024-2025 sẽ là giai đoạn chuyển tiếp cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Sự dịch chuyển đầu tư của nhóm ngành sẽ diễn ra rõ nét hơn trong năm 2024. Như các nhận định xu hướng chuyển dịch ngành của chúng tôi xuyên suốt trong các báo ngành năm 2023, một số ngành tiếp tục ghi nhận mức hiệu suất cao hơn VN-Index như Dịch vụ tài chính tăng 95,7% từ đầu năm, Công nghệ tăng 46,5%, Công nghiệp tăng 42,3%, Tài nguyên cơ bản tăng 41,9%.
BSC kỳ vọng dòng tiền sẽ dần dịch chuyển sang các ngành liên quan đến Công nghiệp – Sản xuất, Nguyên vật liệu cơ bản, Xuất khẩu, Năng lượng, Bán lẻ - Tiêu dùng, Ngân hàng. Yếu tố thu hẹp khoảng cách định giá sẽ là động lực thúc đẩy chính cho xu hướng trên dựa trên hai yếu tố chính: Đây là các nhóm ngành có hiệu suất kém trong năm 2023, tuy nhiên lại ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến khả quan trong năm 2024.
Theo đó, BSC dự phóng tăng trưởng lợi nhuận 2024 dự kiến phục hồi tăng 17% so với năm 2023. Một số nhóm ngành kỳ vọng lợi nhuận phục hồi mạnh từ mức nền thấp năm 2023 bao gồm Nguyên vật liệu (+103%), Thuỷ sản (+81%), Tiện ích (+48%), Bán lẻ & F&B (+45%), Dệt may (+44%), Phân bón & Hoá chất (+39%), Ngân hàng (+20%). Với kịch bản kinh tế hồi phục, tăng trưởng lợi nhuận VN-Index trong năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương qua đó hỗ trợ cho xu hướng tiến trở lại “thị trường bò”.
Định giá thị trường cho các nhóm cổ phiếu đang ở mức hợp lý để tích luỹ tại điểm khởi đầu của một chu kỳ mới, đặc biệt nhóm vốn hoá lớn (Ngân hàng – Bán lẻ). Dựa trên dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của BSC trong năm 2024, mức P/E FWD năm 2024 của nhóm vốn hoá vừa và nhỏ (loại trừ ngân hàng và bất động sản) sẽ được điều chỉnh về mức 12.4 lần, dưới 1 lần độ lệch chuẩn từ đó tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn. Trong khi đó, P/E Fwd VNIndex 2024 chỉ đang giao dịch ở mức 10.1 lần, thấp nhất trong bình quân lịch sử 5 năm.