Tiếp đà điều chỉnh của từ cuối T09/23 sau tâm lý lo ngại trước sự kiện Ngân hàng Nhà nước hoạt động trở lại trên kênh tín phiếu, VN-Index chính thức điều chỉnh giảm sâu khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VHM, VIC, VRE, TCB, MSN, MWG) sụt giảm mạnh trước các thông tin không thuận lợi.
Tâm lý tiêu cực lấn át toàn bộ thị trường, bán tháo xảy ra trên diện rộng khiến VN-Index kết thúc T10/23 giảm 16% so với cuối T08/23 – đánh mất toàn bộ thành quả tăng điểm kéo dài từ giữa T04/23 cho đến hết tháng T08/23.
BSC Research cập nhật 2 kịch bản cho VN-Index đến hết năm 2023: Kịch bản tích cực: 1.200 điểm, kịch bản tiêu cực thủng 1.000 điểm.
P/E VN-Index kết thúc 31/10/2023 ở mức 12.65 lần, giảm -14.29% so với T09, chiết khấu 20.62% so với P/E trung bình 5 năm. Định giá thị trường hiện tại đã dần trở nên hấp dẫn hơn sau nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua. P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 14.25-15.0 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.200 điểm.
Nhịp giảm điểm mạnh trong T10/2023 chứng kiến thanh khoản suy giảm so với giai đoạn tăng điểm tích cực được duy trì trước đó, cụ thể thanh khoản trung bình trên 3 sàn đạt 16.905 tỷ đồng giảm 31% so với trung bình Q3/2023 và thấp hơn 2,4% so với trung bình 10T2023 (đạt 17.321 tỷ đồng/phiên). Vốn hóa toàn thị trường cuối T10/2023 đạt 5,8 triệu tỷ đồng ~ giảm 6,1% so với bình quân Q3/2023 và tăng nhẹ 0,5% so với bình quân 10T2023 (đạt 5,7 triệu tỷ đồng).
Đà mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đã giảm hơn 68% so với tháng trước, tổ chức trong nước đảo chiều mua ròng, đồng thời, khối ngoại có xu hướng thu hẹp đà bán ròng trong tháng 10.
Từ đầu Q2/2023 đến T10/23 khối ngoại luôn duy trì trạng thái bán ròng với tổng giá trị bán ròng 16.153 tỷ đồng trong 07 tháng liên tiếp và chưa cho thấy tín hiệu dừng lại. Tốc độ bán ròng gia tăng mạnh từ T08 cho đến T10, đỉnh điểm T09/23 bán ròng 3.982 tỷ đồng và T10/23 bán ròng 2.281 tỷ đồng trên cả 3 sàn. STB, DCG và VHM là 3 mã được khối ngoại tập trung mua ròng nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, MWG, MSN và VPB là 3 mã bán ròng với giá trị lớn nhất.
Dư nợ margin toàn thị trường cuối Q3/2023 đạt hơn 155 nghìn tỷ đồng, tăng 9,68% so với Q2/2023 và tăng hơn 33% so với đầu năm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường sụt giảm từ cuối tháng 10, cùng với tỷ lệ dư nợ margin/giá trị giao dịch trung bình trong Q3/2023 giảm gần 30% so với Q2/2023, điều này cho thấy rủi ro margin trên thị trường đang có xu hướng tăng.