Việc Chanel tổ chức buổi trình diễn đầu tiên của mình ở vùng cận Sahara — và đồng thời là show diễn thời trang xa xỉ đầu tiên của một thương hiệu châu Âu hoặc Hoa Kỳ tại châu Phi — thực sự khiến ai nấy đều ngạc nhiên. Tại buổi giới thiệu trước show diễn, giám đốc sáng tạo Virginie Viard cho biết ý tưởng này xuất hiện cách đây đã ba năm. Sau đó là hai năm gián đoạn do Covid-19, trước khi quá trình chuẩn bị chính thức bắt đầu.
Suốt một thời gian dài, người ta mặc định vùng đất này vốn chẳng có gì liên quan đến thời trang cao cấp. Tuy nhiên, thành phố Dakar của Sénégal đang vươn mình để trở thành môi trường tiềm năng cho những hạt giống xuất sắc về nghệ thuật, và Virginie Viard đã không bỏ qua điều đó. “Tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi làm điều gì đó không gắn liền với cội nguồn của nhà mốt. Bản thân tôi muốn có một sự giao lưu giữa sáng tạo, giữa các nền văn hóa khác nhau và điều đó sẽ phù hợp với bộ sưu tập Métiers d’Art lần này”, giám đốc sáng tạo của Chanel chia sẻ.
Không chỉ đơn thuần một buổi giới thiệu bộ sưu tập chớm thu 2023 mới cũng như tôn vinh nghệ thuật thủ công từ tay nghề chế tác bậc nhất thế giới, Chanel Métiers d’Art 2023 còn là một cuộc gặp gỡ văn hóa vô cùng thú vị, mở ra một lễ hội thời trang kéo dài ba ngày nhằm tôn vinh âm nhạc, điện ảnh và cả nghệ thuật. Nơi tổ chức buổi trình diễn trước đây từng là Cung điện Công lý (Palais de Justice) của thủ đô Dakar, cũng là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật của thành phố.
Nếu là một trong số 800 khách mời, bạn hẳn sẽ cảm thấy bối cảnh trải nghiệm của buổi trình diễn này đã được thiết kế chính xác như chính bộ sưu tập. Giữa những cây cột gỗ vuông ngay ngắn thẳng hàng và những phiến đá lát nền kẻ sọc đan xem như một mảnh vải tweed thực thụ bên trong khu vườn tràn ngập ánh nắng, các người mẫu sải bước đầy mạnh mẽ và hoang dại trong khi khán giả ngồi rải rác một cách thư giãn trên những chiếc ghế nghỉ chân.
Theo ghi chú của chương trình, bộ sưu tập tôn vinh tinh thần “pop-soul-funk-disco-punk” của những năm 1970. Theo đó, di sản của Chanel - vải tweed - được kết hợp độc đáo với những họa tiết hình học nhiều màu đặc trưng của Tây Phi, tạo thành những bảng phối vừa sang trọng, vừa ấm áp. Bảng màu trung tính như đen, trắng, beige được lựa chọn để làm nền cho những kỹ nghệ thêu tay, đính kết, trang trí phụ kiện... trở nên nổi bật. Khác với những bộ sưu tập trước, Chanel Métiers d’art lần này còn khiến công chúng thích thú với những bản in hoang dại được kết hợp từ bản in da động vật với logo đặc trưng của nhà mốt Pháp để có thể thể hiện hết giá trị từ nền văn hóa đặc trưng ở châu Phi.
Virginie Viard có thể tạo ra một chiếc váy Chanel cổ điển đáng yêu, và cô ấy đã làm điều đó ở đây, với một số kiểu dáng móc ren, váy dài cho tiệc cocktail trong vườn và những chiếc đầm tiệc tối đính sequin... Nhưng có vẻ như đây là bộ sưu tập dành để tôn vinh các thiết kế quần dài. Từ quần dệt kim, bouclé, ống loe, cho đến denim… được kết hợp với áo blouson, áo chẽn hoặc áo jacket may đo cẩn thận. Các tác phẩm thêu với những cụm hoa trà và ngọc trai nhiều màu rực rỡ, đan xen với các tuyệt tác trang sức cầu kỳ nằm trên trang phục đính kết sequins, cùng hàng đăng ten xếp nếp màu đen và trắng. Ở đó, họa tiết sư tử xuất hiện trên trang sức, túi xách và những khóa thắt lưng táo bạo đã cùng lúc gợi nhớ đến biểu tượng của đất nước Senegal và Gabrielle Chanel.
Ngoài ra, nếu có bất kỳ sự đối lập nào giữa nơi tổ chức show diễn và các thiết kế cổ điển của Chanel, thì đó cũng là sự đối lập gây ấn tượng của màu sắc và cách xếp lớp trang phục: một chiếc áo vest đính cườm bên ngoài áo khoác bouclé; một chiếc váy quấn gọn gàng bên ngoài một quần ống loe đan mỏng; một chiếc áo chẽn dài bồng bềnh bên ngoài chiếc quần jean bạc màu, được thắt bằng một chiếc thắt lưng vàng. Trong số 62 người mẫu trong buổi trình diễn, có 19 người đến từ châu Phi và 12 người trong số đó là người Sénégal. Ông Pavlovsky cho biết đội ngũ nhân viên trang điểm và làm tóc cũng có khoảng một nửa là người địa phương, chỉ một nửa còn lại là người nước ngoài.
Xuyên suốt bộ sưu tập, những bộ suit giản dị, khiêm tốn nhưng cũng phóng khoáng và đầy tự do từ những năm 70 ở Congo đã xuất hiện đan xen cùng với những chiếc áo vest đính đá màu mè cùng với những chiếc váy nổi bật. Hài hòa cùng những bản phối đó chính là sự thêm thắt của những chiếc quần jean ống loe, giày đế bệt cũng như những chiếc túi xách chần bông đặc trưng của thương hiệu. Được tạo ra với sự hợp tác chặt chẽ với các nghệ nhân địa phương như thợ thêu Lesage và nhà sản xuất hoa Lemarié, bộ sưu tập có rất nhiều chi tiết trang trí, từ những viên kim cương giả lấp lánh trên chiếc áo len họa tiết hình thoi, đến những bông hoa trà chắp vá theo phong cách DIY và những miếng dán hình trái tim nằm rải rác khắp nơi một chiếc áo vest đen.
Kể từ khi cố giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld giới thiệu nó cách đây 20 năm trước, Metier d’Art từ vẫn luôn là một sự kiện đặc biệt, là cách mà CHANEL lan tỏa những di sản vô giá của thương hiệu đến mọi nơi trên thế giới, từ Thượng Hải; Edinburgh của Scotland, Salzburg ở Áo hay Havana ở Cuba,...
Giờ đây, việc Chanel tổ chức show diễn thời trang đầu tiên của nhà mốt ở Châu Phi đồng thời là buổi trình diễn đầu tiên của một nhà mốt thời trang trên toàn thế giới ở vùng châu Phi Hạ Sahara, thực sự là một bước đi đầy tham vọng. Để có thể tránh được mọi cáo buộc về chiếm đoạt văn hóa, Chanel không chỉ mời các nghệ nhân tại châu Phi tham gia sáng tạo ở bộ sưu tập lần này mà còn đi xa hơn, hợp tác lâu dài với những dự án nghệ thuật nhằm tôn vinh, phát triển ngành nghề thủ công và thúc đẩy tính bền vững trong thời trang.
Đúng như ca sỹ Pharrell Williams, đại sứ của nhà mốt Pháp chia sẻ trước show diễn: “Đây có lẽ là một cuộc hẹn tình cờ nhưng đằng sau đó là sự bình đẳng khi một nhà mốt hàng đầu của Pháp quay lại nơi từng là thuộc địa của người Pháp để tạo ra một cuộc giao thoa văn hóa tuyệt đẹp”.