November 23, 2022 | 09:37 GMT+7

“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm

Minh Nguyệt -

Mặc dù tin tức đã đưa ra cái kết về Raf Simons với tư cách là một thương hiệu, nhưng có vẻ không đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp của Raf Simons với tư cách là một nhà thiết kế. Ông sẽ tiếp tục làm việc với tư cách là đồng giám đốc sáng tạo của Prada…

Ảnh: GQ
Ảnh: GQ

Nhà thiết kế và cũng là nhà sáng lập Raf Simons đã gây xôn xao làng mốt khi thông báo chính thức về việc đóng cửa thương hiệu thời trang mang tên mình. Trước đó, không hề có một động thái hay tin đồn nào “rào đón” cho quyết định này. Trong một thông báo ngắn gọn trên Instagram, Raf Simons đã xác nhận rằng bộ sưu tập Xuân - Hè 2023 vừa ra mắt là những tác phẩm cuối cùng của thương hiệu.

“Bộ sưu tập Xuân - Hè 2023 sẽ là phần kết của hành trình 27 năm phi thường và là mùa cuối cùng của thương hiệu thời trang Raf Simons”, nhà thiết kế cho biết. “Tôi không biết dùng từ gì để chia sẻ sự tự hào với tất cả những gì chúng ta đã đạt được. Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ đáng kinh ngạc từ đội ngũ của mình, từ các cộng tác viên, từ giới truyền thông và khách hàng, từ bạn bè và gia đình, cũng như từ những người hâm mộ tận tụy và những người theo dõi trung thành của thương hiệu. Cảm ơn tất cả các bạn đã tin tưởng vào tầm nhìn của chúng tôi cũng như tin tưởng vào cá nhân tôi”.

Quyết định đóng cửa thương hiệu Raf Simons là một cú sốc đối với nhiều người trong thế giới thời trang, đặc biệt là khi công việc của ông với tư cách là đồng giám đốc sáng tạo tại Prada đã nhận được nhiều lời khen ngợi. Trước đó, ông đã giữ chức các vị trí tại Jil Sander, Dior và Calvin Klein, trong khi vẫn duy trì nhãn hiệu mang tên mình mà ông đã thành lập vào năm 1995.

Các thành viên của cộng đồng thời trang đã lên mạng xã hội để bày tỏ lòng biết ơn tới Simons và cầu chúc sức khỏe cho ông. Nhà thiết kế thời trang Marc Jacobs đã viết trên Instagram: "Luôn tuyệt vời. Luôn truyền cảm hứng. Cảm ơn Raf". Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta và cựu học trò cưng của Simons, Matthieu Blazy, cũng bình luận bằng một biểu tượng cảm xúc trái tim đơn giản.

Với thương hiệu riêng mang tên mình, Raf Simons đã tạo ra những trang phục phi giới tính chịu ảnh hưởng của phong cách đường phố đương đại.
Với thương hiệu riêng mang tên mình, Raf Simons đã tạo ra những trang phục phi giới tính chịu ảnh hưởng của phong cách đường phố đương đại.

Show diễn Xuân - Hè 2023 của nhà mốt Raf Simons đã được tổ chức tại Frieze ở London vào tháng 10, vào thời điểm đó, không có gì báo trước rằng đây sẽ là buổi biểu diễn cuối cùng của thương hiệu. Khi đó, Raf đã thể hiện nỗ lực không để bản thân dậm chân tại chỗ mà bước ra khỏi vùng an toàn. Nhà thiết kế đã chọn giảm thiểu chi tiết phức tạp và tô đậm những đường nét tối giản, tinh tế - phom dáng vừa vặn người, ôm cơ thể. Đồng thời, Raf vẫn đề cao những chuyển động thoải mái của cơ thể và cái chất goth, punk và đôi khi là glam-rock ở mùa này. Giới mộ điệu đánh giá, có vẻ như thương hiệu đang bước vào một kỷ nguyên cực kì mới sau màn hợp tác của nhà thiết kế cùng Miuccia Prada.

Ngược dòng thời gian, báo chí quốc tế gọi "2017 là năm của Raf Simons". Sau chưa đầy một năm dẫn dắt Calvin Klein, ông làm nên lịch sử khi giành cú đúp "Nhà thiết kế thời trang nam của năm" và "Nhà thiết kế thời trang nữ của năm" tại CFDA 2017 - giải thưởng thường niên uy tín bậc nhất nhằm tôn vinh những nhân vật có cống hiến cho nền công nghiệp thời trang Mỹ. Cuối năm đó, Raf Simons tiếp tục được vinh danh là "Nhà thiết kế của năm" tại lễ trao giải British Fashion Awards của Hiệp hội Thời trang Anh, đánh dấu một năm trở thành “vua thiết kế” của vị giám đốc sáng tạo người Bỉ.

Raf Simons sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo và không hề có gốc gác nghệ thuật. Cha ông làm bảo vệ gác đêm, còn mẹ là người giúp việc. Raf thiết kế bộ sưu tập thời trang nam đầu tiên mang tên mình vào năm 1995. Joan Juliet Buck, Tổng biên tập tạp chí Vogue Pháp lúc bấy giờ, nhận định: "Khi cậu ấy dẫn đầu, mọi người đều phải theo sau". 

Đỉnh cao trong sự nghiệp thiết kế thời trang của Raf Simons là vào năm 2012 khi ông được mời làm giám đốc sáng tạo cho nhà mốt danh tiếng Christian Dior. Bất chấp những nghi ngại trong giới chuyên môn về sự đối lập trong phong cách thời trang phóng khoáng của người sáng lập Christian Dior với gu tối giản của Raf Simons, bộ sưu tập ra mắt vào mùa Thu - Đông 2012 đã làm sống lại biểu tượng New Look kinh điển của Dior thập niên 1940. Đưa ra thế giới hình ảnh người phụ nữ mới, Raf được tán dương là người hùng của Dior. Vogue bình luận: "Thật thú vị khi được chứng kiến cách anh ấy thổi hồn vào những ý tưởng cũ".

“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm - Ảnh 1
“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm - Ảnh 2
 
“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm - Ảnh 3
“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm - Ảnh 4
 
“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm - Ảnh 5
“Vua thiết kế” Raf Simons đóng cửa thương hiệu thời trang sau 27 năm - Ảnh 6
 
Show diễn Xuân - Hè 2023 tại Frieze ở London vào tháng 10 là những tác phẩm cuối cùng của thương hiệu.
Show diễn Xuân - Hè 2023 tại Frieze ở London vào tháng 10 là những tác phẩm cuối cùng của thương hiệu.

Năm 2020, Raf Simons quyết định về chung nhà với Miuccia Prada ở cương vị đồng Giám đốc sáng tạo của Prada. Theo Vogue, kể từ khi Prada đưa ra thông báo, giới yêu thời trang đã vô cùng phấn khích. Buổi ra mắt bộ sưu tập Xuân - Hè 2021 của Prada thành sự kiện được mong đợi nhất ở Milan Fashion Week. Và không phụ sự kỳ vọng, bộ sưu tập đánh dấu một khởi đầu mới, chắt lọc và cắt bớt những thứ phức tạp - phong cách đặc trưng của Prada lâu nay. Dấu ấn của Raf Simons đọng lại trên những bộ đồ có cấu trúc đơn giản, nhẹ nhõm hơn.

Với thương hiệu riêng mang tên mình, kể từ năm 1995, Simons đã tự hào về công việc của mình trong ngành thời trang là tạo ra trang phục phi giới tính chịu ảnh hưởng của văn hóa giới trẻ và phong cách đường phố đương đại. Các bộ sưu tập của ông thường mang trọng tâm là tính cá nhân, là sự pha trộn tập trung giữa kỹ thuật cắt may tỉ mỉ và những kiểu dáng quá khổ. “Tôi muốn giữ vững suy nghĩ trẻ trung và hiện đại. Tôi không muốn buông xuôi. Có rất nhiều thương hiệu bắt đầu rất hay ho, nhưng càng về sau càng chỉ tập trung về khía cạnh kinh doanh và trở nên nhàm chán”, Raf nói.

Nhà thiết kế từng tự miêu tả đam mê của bản thân bằng câu nói: “Có người hỏi nếu tôi không thở bằng không khí thì sẽ thở bằng gì, câu trả lời của tôi là nghệ thuật.” Bằng sự đa cảm của một người yêu nghệ thuật, sự tỉnh táo của một người tôn thờ chủ nghĩa tối giản, Simons đã thổi hồn vào những thiết kế tươi trẻ, tràn ngập chất họa và thơ nhưng vẫn đầy tính ứng dụng, qua đó gầy dựng nên một đế chế mang chính tên mình. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate