Cho đến thời điểm hiện tại đã có hàng trăm doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022. Số liệu thống kê từ VnDirect cho thấy, có những doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với năm 2021.
Xét theo nhóm ngành, tính đến thời điểm ngày 24/3, xây dựng là nhóm tạm thời dẫn đầu về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2022 nhờ kỳ vọng hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. C4G của Cienco 4 là doanh nghiệp dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm này và đứng thứ hai tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường với mức tăng dự kiến 348% trong năm 2022. Tiếp theo là HBC của ông lớn Xây dựng Hoà Bình với tốc độ tăng 329% nhờ giá trị ký mới tăng cao trong năm 2021 và kỳ vọng không bị gián đoạn bởi dịch bệnh giúp đảm bảo tăng trưởng kinh doanh năm 2022.
Một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng khác cũng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với thị trường như VC2, FCN, PHC, HHV, BMP.
Nhóm đứng thứ hai về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 là bất động sản. Trong đó, SGR dẫn đầu với tốc độ tăng 246% lợi nhuận và 3026% doanh thu. CII cũng tăng 174% về doanh thu nhờ ghi nhận lợi nhuận việc thoái vốn tại công ty con là NBB và cổ phiếu quỹ. Mảng BOT kỳ vọng phục hồi nguồn thu nhờ lưu lượng phương tiện phục hồi sau đại dịch. Bắt đầu thu phí đủ năm tại các dự án Xa lộ Hà Nội và Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
BCG của Bamboo Capital đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 148% và VnDirect ước tính lợi nhuận tước thuế của doanh nghiệp này đạt 2.089 tỷ đồng. Còn Novaland tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 47% ghi nhận kế hoạch lợi nhuận 7.500 tỷ đồng; PDR, DIG, KHG, FIR cũng là những doanh nghiệp bất động sản có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bứt phá trong năm 2022.
Trong khi đó, nhóm bất động sản công nghiệp có sự phân hoá sâu sắc. KBC tạm thời dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường với tốc độ tăng 474% nhờ ghi nhận doanh thu bán sỉ 30ha dự án Khu đô thị Tràng Cát. SJS tăng trưởngg 70%, PHR tăng trưởng 50-80% trong khi đó SZC giảm tới 43% trong năm 2022.
Ngân hàng là nhóm thứ 4 có mức tăng trưởng lợi nhuận khá trong năm 2022. Trong đó, EIB là ngân hàng dẫn đầu với mức tăng trưởng lợi nhuận 99%. Hầu hết các ngân hàng còn lại có mức tăng trưởng 20-30%. Trong đó, nhóm vốn hoá lớn tốc độ tăng trưởng thấp hơn như CTG tăng trưởng 10-20%, VCB 12%.
Nhóm xuất khẩu cũng đa phần doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch lợi nhuận cao trong năm 2022 như TCM tăng trưởng 91%; GDT 55%; PTB 21,4%. Nhóm bán lẻ tăng trưởng trung bình 25% trong năm 2022.
Ở chiều ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp dầu khí được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ giá dầu vượt đỉnh lịch sử lại đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi so với năm 2021. Chẳng hạn, BSR mục tiêu lợi nhuận giảm 79%; PVT giảm 43%, GAS giảm 20%; hay nhóm hoá chất được hưởng lợi từ ure tăng cao lại đặt mục tiêu giảm sốc như DCM giảm 73%; DPM giảm 70%.
Tương tự, nhóm thép cũng ghi nhận doanh thu lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2022. HSG của Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 42% do phụ thuộc vào sự biến động của giá nguyên liệu đùa vào, kế hoạch sản lượng tiêu thụ giảm 11% do thận trọng tại thị trường xuất khẩu, biên lợi nhuận gộp mảng thép suy giảm trong năm 2022. TDS, CBI, SMC cũng đặt mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh từ 42-81% trong năm 2022.
Nhóm chứng khoán cũng ghi nhận sự phân hoá rõ rệt, VDS và FTS mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh lần lượt 5,6% và 30,7%. Trong khi đó, các công ty khác mục tiêu thận trọng hơn như VCI tăng 2,6%; EVS tăng 2,5%; CTS tăng 4,8% còn SHS tăng 20%.
Thực phẩm cũng là nhóm ghi nhận lợi nhuận sụt giảm như MSN đặt mục tiêu lợi nhuận 6.000 tỷ giảm 30% trong năm 2022; QSN mục tiêu lợi nhuận giảm 18,8%.