Covid-19 xảy ra làm thay đổi xu hướng tiêu dùng và là một cái cớ vô cùng hợp lý để môi trường mua sắm online bùng nổ. Phần thắng sẽ thuộc về doanh nghiệp biết thay đổi nhanh chóng và nắm bắt cơ hội nhanh nhất.
Một khảo sát mới nhất của Nielsen đưa ra tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020 cho thấy, số người tiêu dùng mua sắm online tăng lên 25%, trong khi ở các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.
CÚ HÍCH LÀM BÙNG NỔ MUA SẮM ONLINE
Cũng theo khảo sát của Nielsen, có đến 55% người tiêu dùng mua sắm online ở độ tuổi 18-29, trong đó 63% là phụ nữ, 65% là nhân viên văn phòng, 70% có thu nhập cao. Trong số đó, có 55% thực hiện mua sắm qua các ứng dụng di động (mobile app). Lý do mua hàng online vì có nhiều chương trình khuyến mại, giá rẻ. Tuy nhiên, tần suất mua hàng online tại Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ khoảng 1,6 lần/tháng. Nếu so sánh con số này với kênh siêu thị là hơn 3 lần/tháng, kênh truyền thống hơn 7 lần/tháng thì thấy tiềm năng của online đang còn rất lớn.
Bà Lê Minh Trang, đại diện Công ty Nielsen Việt Nam đánh giá, xu hướng mua sắm online trong dịch Covid-19 mở ra cơ hội kinh doanh online nhiều hơn khi người dân chọn mua sắm tại nhà gia tăng. Mua sắm online có tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm và con số này còn nhiều khả năng phát triển nữa ở Việt Nam.
Trước khi Covid-19 diễn ra, những nhóm ngành như thời trang, chăm sóc cá nhân, ăn uống là những sản phẩm được khách hàng tìm mua. Song sự tiết kiệm tiền gia tăng trong quý 2/2020 vì cảm giác bất an và lo lắng về nền kinh tế nên chi tiêu về mua sắm thời trang, du lịch, ăn uống bên ngoài có sự sụt giảm rõ rệt. Tương quan với bức tranh trên, các nhà bán lẻ nên chú trọng vào mặt hàng nào? Đó là những mặt hàng chăm sóc cá nhân, đảm bảo chăm sóc gia đình và bảo vệ gia đình một cách tốt nhất trong mùa dịch. "Đây là chuyển dịch mà các doanh nghiệp bán hàng online cần phải nhìn thấy", bà Trang lưu ý.
Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam, Lào và Campuchia của Google cho rằng, Việt Nam bùng nổ kinh tế số những năm gần đây với tổng giá trị hàng hoá gần 12 tỷ USD trong năm 2019, dự đoán tăng lên đến 43 tỷ USD trong 2025. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành thương mại điện tử.
Báo cáo mới nhất của Google vào cuối tháng 9 cho thấy, lượng người di chuyển đến khu mua sắm, vui chơi giải trí giảm 19% hậu Covid-19. Đặc biệt tháng 2,3/2020, lượng người di chuyển tới nhà hàng, quán cà phê rạp chiếu phim... giảm 52%.
Khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, tất cả đều phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày. 82% cho biết mua sắm online trong giai đoạn cách ly xã hội, trong đó 98% cho biết họ tiếp tục mua online kể cả sau cách ly. "Điều này đặt ra thử thách mới nhưng cũng là cơ hội cho các nhà bán lẻ thay đổi cơ chế hoạt động, thích nghi với thị hiếu người tiêu dùng", bà Trâm lưu ý.
Nếu xét về nguồn gốc sản phẩm trong mua online, theo Niesel, sản phẩm địa phương là một trong những tiêu chí quan trọng nhất với người tiêu dùng Việt Nam. So với mức tiêu dùng toàn cầu, người tiêu dùng Việt có sự ưu tiên mạnh mẽ hơn với các sản phẩm địa phương. 17% người tiêu dùng chỉ mua hàng nội địa, 59% cho biết đa phần mua hàng nội địa trong khi mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng hàng nội địa luôn ổn định, là lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước phát triển thương mại điện tử.
Bà Yến Ngô, Giám đốc Giải pháp thị trường Việt Nam của Facebook bổ sung, người tiêu dùng Việt Nam là nhóm người dùng đang mua sắm online ở nhiều ngành hàng hơn các quốc gia khác. Nếu như năm 2019, người dùng Việt Nam mua sắm trung bình ở mức 3,9 ngành hàng, thì năm 2020 tăng lên 5,2 ngành hàng.
Đại diện Google cũng dẫn kết quả nghiên cứu từ một tổ chức khác cho thấy, trong thời điểm đại dịch, 72% cho biết họ hạn chế ra ngoài mua sắm để giảm rủi ro dịch bệnh, thay vào đó 83% dành thời gian tìm hiểu hàng hoá trước khi mua online, 79% dành thời gian lựa chọn, so sánh giữa các nguồn hàng.
Khảo sát này cũng chỉ ra, một số hành vi sẽ thay đổi lâu dài với người Việt Nam sau Covid-19, đó là 63% duy trì đặt thức ăn trên mạng, 67% tiếp tục hành vi mua sắm online, đặc biệt 44% cho rằng sẽ không mua hàng bên ngoài khi mua được hàng trên mạng. "Như vậy, nếu là doanh nghiệp chỉ hoạt động bên ngoài thì sẽ mất lượng khách hàng rất lớn so với doanh nghiệp cùng ngành có hiện diện và cung ứng online", bà Trâm nhìn nhận.
SUPER APP QUYẾT ĐỊNH THẮNG - THUA
Để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển và phục hồi sau Covid -19 theo bà Trâm, cần đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, tập trung xây dựng trải nghiệm mua sắm qua mobile app. Tuy nhiên thách thức lớn nhất hiện nay đối với thương mại điện tử là thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trên nhiều nền tảng khác nhau. Cụ thể, năm 2019 mua hàng trung bình trên 4 nền tảng, năm 2020 là 5,7 nền tảng. Do đó, theo bà Yến Ngô, thói quen mua sắm này tạo ra mong đợi mới của người tiêu dùng với doanh nghiệp. Họ muốn doanh nghiệp hãy đem sản phẩm của mình đến với khách hàng, gợi ý cho họ những điều thú vị về sản phẩm. "Đây là sự chuyển dịch từ thương mại điện tử đơn thuần sang thương mại điện tử khám phá đòi hỏi doanh nghiệp phải biết để đáp ứng. Truyền cảm hứng cho khách hàng là bước đầu tiên của thương mại khám phá", bà Yến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chia sẻ, để bán hàng online không nhất thiết phải phụ thuộc quá nhiều vào một số kênh, mà doanh nghiệp có thể tham gia các super app. Để tự xây dựng super app rất khó, vì đa phần doanh nghiệp không thể có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tham gia vào super app của các doanh nghiệp khác. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, cũng như tránh lệ thuộc quá nhiều vào "người khổng lồ" như Facebook hay Google.
Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade cho rằng, dù lượng sử dụng mobile rất mạnh nhưng 90% người dùng thường gỡ bỏ app trong vòng 90 ngày. Như vậy, "cuộc chiến" ở đây là làm sao tạo ra các app được sử dụng nhiều nhất, thường xuyên nhất hoặc sẽ bị gỡ bỏ.
Super app, theo ông Hưng, không phải là cuộc chơi của những "người khổng lồ", câu chuyện của MoMo, Gojek, Bee... đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Chúng ta vẫn có thể làm super app mà không cần phải trở thành gã khổng lồ. Doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quen tập trung vào mobile. Những năm gần đây, thương mại điện tử đặc biệt các app như Lazada hay Shopee thì số lượng đơn hàng trên mobile áp chiếm tới hơn 80%. Và toàn bộ hành vi trên app mới là quyết định sự thắng-thua của doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Hưng nói.
Theo CEO Accesstrade, nhiều app hiện nay rất tẻ nhạt, khách hàng không tìm thấy độ hấp dẫn trong app của doanh nghiệp đó. Đơn cử như họ chỉ vào app để thanh toán tiền điện, nước... sau đó đi ra nhanh. Nhưng với super app có quá nhiều dịch vụ, nhiều điều hay ho. Người dùng có thể vào thanh toán tiền điện, nước, hôm sau có thể quay lại xem phim, nghe nhạc, mua sắm... Như vậy mới giữ được người dùng, tức là người dùng cảm thấy hài lòng thì họ sẽ ở lại app.
Thống kê cho thấy, những app có nhiều dịch vụ thì thời gian người dùng ở lại app gấp 3 lần thông thường, cũng như độ hài lòng khách hàng cao hơn so với app chỉ có dịch vụ thông thường.
Do đó, để super app thành công, ông Hưng cho rằng phải có 4 yếu tố, đó là phải có một tính năng cốt lõi – tính năng mạnh nhất để giữ và kéo được người dùng ở lại. Thứ hai đó là có một hệ thống thanh toán, thanh toán thuận tiện thì trải nghiệm càng tốt. Thứ ba là phải có một chương trình giữ người dùng ở lại, vì trên app có rất nhiều dịch vụ. Cuối cùng, phải có một hệ sinh thái app, như nếu đặt phòng khách sạn thì có kèm luôn bữa ăn sáng, bữa trưa, kèm thêm vé xem phim, dã ngoại...