July 30, 2021 | 16:24 GMT+7

Bùng phát thông tin giả liên quan đến dịch Covid để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Hồng Vinh -

Cảnh báo việc làm giả thẻ có logo và con dấu của Grab, giả mạo website của Bộ Y tế để lừa đảo trợ cấp, yêu cầu chuyển khoản để tiêm vaccine và cuộc gọi giả mạo Sở Giao thông vận tải ...

Việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ, giả mạo con dấu của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa.
Việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ, giả mạo con dấu của doanh nghiệp là vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa.

Liên quan đến thông các chốt kiểm tra, trên mạng xã hội có thông tin về việc rao bán, trao đổi thẻ có logo và con dấu của Công ty TNHH Grab. Sau khi làm việc với Công ty TNHH Grab, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xác định, đây là hành vi lợi dụng hình ảnh mẫu thẻ có logo và con dấu của Grab được công bố, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng.

THÔNG CHỐT KIỂM SOÁT BẰNG THẺ NHÂN VIÊN GRAB GIẢ 

 
"Việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ của các doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ vận chuyển là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, khẳng định: Thông tin được phát tán trên là giả mạo, lợi dụng hình ảnh mẫu thẻ Grab để thay giấy đi đường khi chấp hành Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ của các doanh nghiệp công nghệ cung ứng dịch vụ vận chuyển là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Nhằm thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông cảnh báo: Việc làm giả, cung cấp, sử dụng các loại giấy đi đường, giấy xác nhận làm việc,… để được ra đường trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

GIẢ MẠO WESBITE CỦA BỘ Y TẾ XIN TRỢ CẤP

Một số trang web đã giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine Covid-19 và lừa tiền cứu trợ của người dân. 

 
"Một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine Covid-19 và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng là: honapply.vn và miniboon.vn".
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine Covid-19 và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng là: honapply.vn và miniboon.vn.

Ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trung tâm NCSC đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ. Qua vụ việc này, Trung tâm NCSC khuyến cáo người người dân nên hết sức cảnh giác trước các thông tin có nội dung tương tự. 

Để cập nhật thông tin tin cậy, người dân nên thường xuyên truy cập vào các website chính thống của Bộ Y tế tại địa chỉ https://moh.gov.vn  

Trung tâm NCSC đề nghị người dùng Internet khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến có thể chủ động thông báo, cảnh báo cho Trung tâm NCSC tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn. Đồng thời, khuyến nghị người dùng Internet cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng, một số thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…

Tin nhắn SMS lừa đảo, yêu cầu truy cập link và làm theo hướng dẫn nhằm lấy cắp thông tin cá nhân và có thể mất tiền trong tài khoản khi cung cấp mã OTP.
Tin nhắn SMS lừa đảo, yêu cầu truy cập link và làm theo hướng dẫn nhằm lấy cắp thông tin cá nhân và có thể mất tiền trong tài khoản khi cung cấp mã OTP.

Nhiều ngày qua, trên các mạng xã hội cũng có nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh, đăng các bài viết bán hàng online như thực phẩm chức năng, rau củ quả với giá rẻ hơn siêu thị. Lợi dụng tâm lý hoang mang lo sợ dịch bệnh, xếp hàng dài tại các siêu thị.

Đối tượng lừa đảo đã yêu cầu chuyển khoản trước và sẽ giao hàng trong vòng 1 tiếng tại TP.HCM. Tuy nhiên, khi chuyển khoản cho đối tượng thì người mua sẽ không bao giờ nhận được hàng hóa và bị chặn facebook, số điện thoại,… dĩ nhiên, địa chỉ trên mạng xã hội là giả mạo.

ĐIỆN THOẠI GIẢ MẠO SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, đơn vị nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc có các số điện thoại lạ (+84908359020, +39926275780, +84777039488, +22904067293, +0871229149, +22941366428 …) tự xưng là Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo đến người nghe điện thoại về việc họ có biên lai xử phạt do vi phạm giao thông, đề nghị người nghe cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân, địa chỉ…) và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các số máy lạ này cung cấp để nộp phạt. 

Cụ thể, nhiều người dân phản ánh thường xuyên có số điện thoại lạ gọi đến các chủ thuê bao cho biết ở Sở Giao thông vận tải Hà Nội và thông báo có biên lai xử phạt vi phạm giao thông. Sau đó, các số điện thoại lạ này hướng dẫn các chủ thuê bao làm theo các bước. Tuy nhiên, các số điện thoại lừa đảo này đều trả lời theo hình thức tự động.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định các số điện thoại trên và người gọi là mạo danh. Do đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo và khuyến cáo người dân, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, theo chức năng, thẩm quyền được pháp luật quy định, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện việc kiểm tra, lập Biên bản vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Bản thân người viết bài cũng vừa nhận được cuộc gọi lừa đảo (từ số điện thoại giả mạo 0843863611) có nội dung: “Sở Giao thông vận tải xin thông báo, bạn có biên lai chưa nộp phạt, vui lòng nhấn phím 9 để được kiểm tra…” 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate