July 04, 2023 | 14:09 GMT+7

Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang

Minh Nguyệt -

Từ lâu, các show diễn thời trang thường chỉ kéo dài bảy phút. Hàng tuần lao động, hàng chục hoặc hàng trăm nghìn đô la, lượng khí thải carbon và số km vận chuyển trang phục, nhân lực… chỉ để chuẩn bị cho màn trình diễn thậm chí không kéo dài bằng một lần chợp mắt…

Ảnh: Marc Jacobs
Ảnh: Marc Jacobs

Marc Jacobs là một nhà thiết kế cá tính, anh luôn nhấn mạnh thông điệp "If you know, you know" (Ai biết thì cũng biết cả rồi). Gần đây, anh đã không còn trình diễn tại Tuần lễ thời trang New York nữa - mặc dù đó là nơi anh luôn là điểm sáng được ca ngợi, và trước đó không ít lần anh có những hành động đi trái với quy tắc thông thường của làng mốt.

Mới đây, đêm 27/6, Marc Jacobs đã tổ chức show diễn thời trang Thu - Đông 2023/2024 tại Thư viện Công cộng New York. Show bắt đầu lúc 19h30 và kết thúc sau đó 3 phút. Chính xác là một đoàn 29 người mẫu sải bước một vòng, sau đó quay lại một vòng nữa rồi nhanh chóng lui về cánh gà, trước khi Jacobs xuất hiện để cúi chào.

Ba phút này đã bao gồm cả thời gian đèn tắt và nhạc nổi lên, khoảng dừng giữa hai vòng người mẫu đi ra, cái cúi đầu im lặng của Jacobs. Đã có những tiếng cười khúc khích đầy hoang mang, không thể tin được của khán giả khi biết rõ rằng kết thúc thực sự là kết thúc. Cuộc cách mạng về show diễn thời trang đã được tối ưu hóa.

Jacobs từ chối phát biểu sau buổi biểu diễn, nhưng Michael Ariano, người đứng đầu bộ phận báo chí và truyền thông của thương hiệu đã nói đùa rằng: “Dù sao thì đây chính là tốc độ mà mọi người thường lướt qua trang Vogue Runway! Show diễn với thời lượng ngang bằng một đoạn clip trên mạng xã hội, là nhằm phản ánh sự hời hợt, thiếu chú ý của chúng ta trong thời đại nội dung ngắn lên ngôi”.

Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 1
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 2
 
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 3
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 4
 

Đó không phải là điều kỳ diệu duy nhất mà Jacobs đã làm được: show diễn thực sự bắt đầu chính xác vào lúc 7h30 tối - thời điểm ghi trên giấy mời. Để tham khảo, việc các buổi trình diễn thời trang bắt đầu muộn hơn 30 hoặc thậm chí 60 phút so với thời gian dự kiến là điều khá bình thường do liên quan đến lịch trình của Tuần lễ thời trang, thiết kế bối cảnh, người mẫu trang điểm, hoặc thậm chí là khách VIP - những người thường cho rằng ai đến muộn hơn là người quan trọng hơn.

Đặc biệt là với một nhà thiết kế đã có tên tuổi như Jacobs, phải sắp xếp cả một đội ngũ lớn nhân viên và tất cả các loại công việc chuẩn bị, để không chỉ bắt đầu buổi trình diễn đúng giờ mà còn đẩy nhanh thời gian kết thúc show diễn nhanh đến mức khách mời có thể về nhà kịp ăn tiếp bữa tối, thực sự là một điều đặc biệt. Thậm chí, Marc Jacobs quyết định sử dụng ChatGPT để viết toàn bộ thông cáo báo chí gửi đến khách mời có mặt.

Mặt trái của cách thức tổ chức show diễn mới lạ này là khán giả và truyền thông lại bắt đầu bán tán về tư duy ngược ngạo của Marc hơn là suy tư về trang phục. Điều này thật đáng tiếc, bởi vì Jacobs đang khai thác những di sản của thời đại mà anh ấy yêu thích, những năm 1980, để đạt được hiệu quả thiết kế rất tốt. Số lượng các trang phục thiết kế quá khổ trong bộ sưu tập đã bị cắt giảm; thay vào đó là những chiếc áo và váy cúp ngực được cắt ngắn, áo khoác và complet hình hộp lấy cảm hứng từ trang phục nam giới với thẩm mỹ nữ tính.

Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 5
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 6
 
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 7
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 8
 

Bộ sưu tập trang phục nữ Thu - Đông của Marc Jacobs chỉ bao gồm chưa tới 30 kiểu dáng. “Những bộ vest được cắt may hoàn hảo dành riêng cho phụ nữ, đi kèm với giày bệt, quần bó màu đen và những chiếc váy. Bảng màu chủ yếu là đen và trắng nhằm tạo ra cảm giác trực quan, làm nổi bật sự thanh lịch vượt thời gian và tính linh hoạt của thời trang đơn sắc”, trích thông cáo báo chí mà Marc Jacobs nhờ ChatGPT phác thảo.

Trên sàn diễn, mỗi người mẫu đều có mái tóc vàng cyberpunk được uốn xoăn, đôi môi đỏ đậm. Bên cạnh đó, thương hiệu thời trang cao cấp này còn sử dụng thuốc nhuộm quang điện, được kích hoạt bằng đèn cực tím, để chuyển đổi mẫu thiết kế Thu - Đông của mình từ những mảnh trắng tinh thành một bộ sưu tập gồm các hoa văn và phấn màu rực rỡ. Đi cùng những chiếc váy đen nhỏ nổi loạn và quần ống loe là những thiết kế táo bạo hơn, chẳng hạn như áo khoác và áo liền quần có thắt lưng, trong cùng một tông màu tối. Trong khi đó, những chiếc váy blouson trắng có cấu trúc đơn giản là thanh lịch và một số bộ vest sáng màu mang phong cách doanh nhân.

Loạt trang phục lướt qua quá nhanh, nhưng phải công nhận sự táo bạo của Jacobs. “Rất ít nhà thiết kế khác có đủ khả năng tổ chức một show diễn mà không cho khán giả thời gian để thực sự xem thời trang”, tờ Vogue sau đó đã nhận định. Mặc dù diễn ra nhanh như chớp, show diễn vẫn là minh chứng cho sự linh hoạt của Marc Jacobs với tư cách là một nhà thiết kế, tầm nhìn của anh ấy về tủ quần áo toàn diện của phụ nữ và khả năng thúc đẩy các cuộc trò chuyện liên quan thông qua thời trang.

Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 9
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 10
 
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 11
Bước chuyển xanh của các show diễn Tuần lễ thời trang - Ảnh 12
 

Đã nhiều lần trong quá khứ, các show diễn thuộc các Tuần lễ thời trang bắt đầu rất muộn, chẳng hạn như mùa Xuân – Hè 2019, có show đã bắt đầu muộn 90 phút so với thời gian dự kiến, hoặc mùa Xuân – hè 2007, có show diễn từng chậm trễ hai giờ đồng hồ. Tất cả chúng ta đều biết điều gì sẽ xảy ra khi hai sự kiện trùng nhau trong Tuần lễ thời trang.

Đó là chưa kể, thời gian chờ đợi này có thể dẫn đến 32.000 dặm xe cộ, 20.000 chiếc cốc cà phê, 5.000 ly rượu vang đỏ... Đây là tổng thống kê thu được sau sự kiện Tuần lễ thời trang London năm 2019 từ British Fashion Council. Những con số nói lên một điều: đó là những lãng phí đằng sau sự hào nhoáng mỗi khi tuần lễ thời trang danh giá này diễn ra. 

Giờ đây, dưới tác động của xã hội, những thương hiệu “ông lớn” không thể im lặng. Tập đoàn LVMH đã có định hướng để các thương hiệu xa xỉ của họ tổ chức các sự kiện theo cách bền vững hơn. Chanel cho biết họ cam kết khôi phục, tái chế hoặc tái sử dụng các vật liệu trong các chương trình của mình bất cứ khi nào có thể. Burberry cho biết, họ đã xem xét tác động thải carbon với môi trường từ chương trình sắp tới… Các thương hiệu dù lớn dù nhỏ đều nỗ lực thực hiện các bước độc lập để chương trình của họ diễn ra một cách có trách nhiệm hơn. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate