BYD đã tìm kiếm ba địa điểm để xây dựng cơ sở sản xuất ô tô tại Mexico nhưng hiện đã "ngừng tìm kiếm tích cực".
Những người này cho biết việc hoãn lại phần lớn là do BYD muốn chờ xem kết quả cuộc đua giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris vào đầu tháng 11. Họ nói thêm rằng các kế hoạch nhà máy bị tạm dừng của BYD vẫn có thể được khôi phục hoặc có thể thay đổi, và chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
BYD trước đó trong một tuyên bố với Bloomberg nói rằng họ "không hoãn quyết định về nhà máy ở Mexico".
"Chúng tôi tiếp tục nỗ lực xây dựng một nhà máy có tiêu chuẩn công nghệ cao nhất cho thị trường Mexico, không phải cho thị trường Mỹ, cũng không phải cho thị trường xuất khẩu", công ty cho biết trong một tuyên bố được cho là của Phó chủ tịch điều hành Stella Li. "Đối với BYD, thị trường Mexico rất quan trọng".
Một khu vực đang được cân nhắc là xung quanh thành phố Guadalajara, một trong những người cho biết. Khu vực đó đã nổi lên trong thập kỷ qua như một trung tâm công nghệ đôi khi được mô tả là Thung lũng Silicon của Mexico. BYD đã cử một phái đoàn đến thăm khu vực này vào tháng 3.
Li cũng đã đến thăm Thành phố Mexico vào tháng 2 để ra mắt mẫu xe Dolphin Mini của hãng sản xuất ô tô này.
Mexico chứng kiến sự gia tăng các hứa hẹn đầu tư từ cả các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và phương Tây, bao gồm cả Tesla Inc. Nhưng nhà máy khổng lồ theo kế hoạch của Tesla đã bị tạm dừng vào tháng 7, cho đến khi có kết quả bầu cử Mỹ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa, ông Trump, người được CEO Tesla Elon Musk ủng hộ, nhiều lần đe dọa sẽ áp thuế đối với các sản phẩm được sản xuất tại Mexico.
Tesla đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở tiểu bang Nuevo Leon phía bắc, với khoản đầu tư ước tính là 10 tỷ USD trong nhiều giai đoạn.
Mexico có thể là một trong những địa điểm sản xuất chính ở nước ngoài của BYD, cùng với các nhà máy mà công ty hiện đang xây dựng hoặc đã hoạt động tại Brazil, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan.
Giống như các nhà sản xuất ô tô lớn khác của Trung Quốc, BYD có trụ sở tại Thâm Quyến đang ngày càng tìm cách nội địa hóa sản xuất để tránh thuế quan trừng phạt mà các chính phủ trên khắp thế giới đang bắt đầu áp dụng đối với ô tô điện nhập khẩu và xe hybrid cắm điện từ nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Mặc dù BYD trước đây đã nói rằng bất kỳ chiếc xe nào được sản xuất tại Mexico đều dành cho mục đích tiêu thụ tại địa phương, nhưng triển vọng xuất khẩu dòng xe điện giá cả phải chăng của công ty sang một thị trường ô tô lớn như Mỹ sẽ rất hấp dẫn.
Mexico được coi là điểm hạ cánh hấp dẫn về mặt chiến lược đối với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài do gần với Mỹ. Mexico cũng là một phần của hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mỹ và Canada.
Mỹ trước đó đã lên kế hoạch áp thuế 100% đối với xe điện của Trung Quốc, một hành động mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ đảm bảo tương lai của ngành công nghiệp ô tô sẽ được thực hiện tại Mỹ bởi những người lao động Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Biden cũng đang theo dõi mọi nỗ lực của các công ty Trung Quốc nhằm xuất khẩu ô tô từ Mexico vào Mỹ và cân nhắc các cách để ngăn chặn họ nếu họ tìm cách lách thuế quan nhắm vào xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, đại diện Bộ Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5.
Đại diện BYD cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News vào cuối tháng 8 rằng bà dự định sẽ gặp Tổng thống mới của Mexico Claudia Sheinbaum vào “một thời điểm nào đ”ó, người sẽ nhậm chức vào ngày 1 tháng 10, và công ty vẫn đang cân nhắc ba địa điểm cho một nhà máy ở Mexico.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Jorge Vallejo, Tổng giám đốc BYD tại Mexico, cho biết nhà máy địa phương của công ty này sẽ ngang bằng với một số nhà máy ô tô lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, Vallejo không tiết lộ có bao nhiêu trong số 10.000 việc làm tại cơ sở sản xuất này sẽ là việc làm trực tiếp từ công ty. Do đó, con số này có thể bao gồm cả nhân viên của các nhà thầu và nhà cung cấp.
Theo Bloomberg, nhà máy của Volkswagen tại Sanctorum (Puebla) là nhà máy ô tô lớn nhất tại Mexico. Nhà sản xuất ô tô Đức tiết lộ cụm lắp ráp xe này và một cơ sở sản xuất động cơ tại địa phương ở Silao (Guanajuato) cùng sử dụng khoảng 13.000 người.
Sau khi xem xét các đề xuất cho nhà máy sắp tới của mình tại Mexico từ 23 tiểu bang, BYD đã lọc danh sách xuống còn ba địa điểm, Vallejo cho biết. Stella Li, phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc điều hành của công ty tại khu vực Châu Mỹ, trước đây đã tuyên bố rằng công ty có kế hoạch thành lập nhà máy này gần Thành phố Mexico, nằm ở phía nam-trung tâm của đất nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance, Li nói rằng khoản đầu tư của BYD vào Mexico chủ yếu tập trung vào thị trường địa phương. Do đó, trong khi nhiều thương hiệu Mỹ sản xuất ô tô ở phía bắc đất nước để dễ dàng vận chuyển ô tô của họ về nước, BYD đang tìm kiếm một địa điểm nằm trong bán kính 200 km tính từ Thành phố Mexico, Li nói thêm.
Kế hoạch mở một nhà máy ô tô tại Mexico của BYD đặt ra câu hỏi liệu công ty có kế hoạch bắt đầu bán ô tô tại Mỹ hay không. Tuy nhiên, công ty không có khả năng sử dụng nhà máy ở Mexico như một cửa sau hoặc một cách để trốn tránh mức thuế quan 100% mà Mỹ đã áp dụng đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Li nhấn mạnh BYD không có kế hoạch đến Mỹ vì "rất phức tạp".
BYD hiện có một đội hình xe mạnh mẽ với chín mẫu xe tại Mexico, sáu trong số đó là xe điện và ba là PHEV. Vallejo cho hay, công ty đặt mục tiêu bán 50.000 xe tại quốc gia này trong năm nay.