May 28, 2022 | 09:37 GMT+7

Cả chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng mạnh tuần này

Bình Minh -

Bán tháo đã nhường chỗ cho sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Bán tháo đã nhường chỗ cho sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này, khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020. Giá dầu thô cũng tăng mạnh trong tuần do mối lo nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27/5), chỉ số Dow Jones tăng gần 1,8%, chốt ở 33.212,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,5%, đạt 4.158,24 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng mạnh hơn cả, nhờ dữ liệu khả quan về lợi nhuận của các công ty phần mềm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Chốt phiên, Nasdaq tăng 3,3%, đạt 12.131,13 điểm.

Cả ba chỉ số cùng tăng mạnh trong tuần. Dow Jones tăng 6,2%, chấm dứt chuỗi 8 tuần giảm liên tiếp – dài nhất kể từ năm 1923. S&P 500 tăng 6,5% tuần này, còn Nasdaq nhảy 6,8%. Trước đó, cả hai chỉ số này cùng có 7 tuần giảm liên tiếp.

Phần lớn mức tăng của chứng khoán Mỹ tuần này được ghi nhận trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, khi các chỉ số tăng mạnh nhờ báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp bán lẻ và phần mềm, cũng như số liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ đã dịu đi.

“Chúng ta đang chứng kiến nhà đầu tư thở phào và thị trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều đó”, nhà quản lý danh mục Tom Martin của Globalt Investments phát biểu. “Thị trường đã giảm sâu trong một thời gian dài, và nếu thị trường có thể ổn định ở đây, thì xu hướng giảm đã hoàn tất hoặc gần hoàn tất”.

Báo cáo lạm phát công bố ngày thứ Sáu đã tạo ra một cú huých cho giá cổ phiếu ở Phố Wall. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tăng 4,9% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 5,2% của tháng 3. Chỉ số này là một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ khi thiết lập chính sách tiền tệ.

Sự lạc quan của phiên này còn đến từ báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp bán lẻ. Ulta Beauty tăng 12,5% sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo. Gap tăng 4,3% dù cắt giảm dự báo lợi nhuận.

“Có vẻ như người tiêu dùng ở Mỹ đang cân bằng chi tiêu của họ: các hàng hoá đáp ứng nhu cầu thiết yếu và những trải nghiệm cao cấp/hàng hoá xa xỉ đang bán chạy, trong khi những hàng hoá tầm trung bị trì hoãn mua. Chẳng hạn, người tiêu dùng trì hoãn việc mua những món đồ nội thất dùng cho sân hiên”, nhà phân tích Christopher Harvey của Wells Fargo nhận định. “Tuần này, một số hãng bán lẻ đã bắt đầu cân bằng bức tranh vĩ mô, cho thấy sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng có vẻ đã bị thổi phồng”.

Dù hồi mạnh tuần này, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn đang thấp hơn nhiều so với kỷ lục. Nasdaq vẫn đang trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market - giảm 20% so với đỉnh). Mới tuần trước, S&P 500 cũng có lúc chạm ngưỡng trạng thái này.

Nasdaq hiện giảm 25,2% so với kỷ lục. Mức giảm tương ứng của S&P 500 và Dow Jones là 13,7% và 10,1%.

Giám đốc đầu tư Jeff Kilburg của Sanctuary Wealth cho biết ông xem thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ như một “ngọn hải đăng” cho thị trường chứng khoán. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm dưới 2,75% sau khi lập đỉnh trên 3% mới đây.

“Tôi không gọi đây là một đợt hồi phục trong thị trường đầu cơ giá xuống (bear rally), mà chỉ là một sự tái định vị. Nhiều người vốn đã quá bi quan”, ông Kilburg nói. “Trở lại với lãi suất, nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3%, sự tăng điểm sẽ không bền vững. Khi lợi suất giảm dưới 2,75%, chứng khoán sẽ tăng trở lại. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng như vậy”.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,03 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở 119,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,98 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, đạt 115,07 USD/thùng.

Cả tuần này, giá dầu Brent tăng 6% và giá dầu WTI tăng 1,5%.

Giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, nhất là khi Mỹ chuẩn bị bước vào mùa lái xe cao điểm, bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ Memorial Day vào cuối tuần này.

“Nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang mạnh, nhất là nhu cầu xăng. Giá dầu nhờ đó tăng lên”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital phát biểu.

“Mùa lái xe ở Mỹ và nhu cầu đi lại cao sẽ hỗ trợ cho giá dầu. Trong lúc tăng trưởng nguồn cung vẫn chậm hơn tăng trưởng nhu cầu, thị trường dầu sẽ còn thiếu cung. Bởi vậy, chúng tôi tiếp tục lạc quan về triển vọng giá dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS phát biểu.

Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang đàm phán về kế hoạch cấm vận dầu Nga, trong khi biện pháp trừng phạt này chưa nhận được sự ủng hộ của Hungary và một số nước thành viên nằm trong nội địa khác. Sự phản đối này đang gây trì hoãn việc thực thi gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, giới chức EU nói rằng khối có thể đạt một thoả thuận tại Brussels vào ngày Chủ nhật tuần này, kịp thời để các nhà lãnh đạo phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 30-31/5.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate