Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ngày 26/5 mạnh tay hạ lãi suất cơ bản về 11% và cho biết vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay, trong bối cảnh lạm phát giảm khỏi đỉnh của 20 năm và nền kinh tế đối mặt nguy cơ rơi vào suy thoái.
Theo tin từ Reuters, động thái này được CBR đưa ra trong một cuộc họp bất thường. Lãi suất được hạ 3 điểm phần trăm từ mức 14%. Trước đợt hạ lãi suất này, CBR đã có hai đợt giảm lãi suất, cũng với mức giảm 3 điểm phần trăm mỗi lần.
Hồi tháng 2, CBR tăng lãi suất gần gấp đôi lên 20% để chặn đà lao dốc của đồng Rúp sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và các nước phương Tây đồng loạt đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.
Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói rằng áp lực lạm phát đã dịu đi, nhưng cảnh báo nền kinh tế đang bước vào một giai đoạn thay đổi về cơ cấu và các ngân hàng thương mại cần sự hỗ trợ gia tăng về vốn.
Trong một cuộc họp báo ở Moscow, bà Nabiullina nói kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình và doanh nghiệp Nga đang giảm, giúp cho rủi ro lạm phát hạ xuống. Bà cũng nói đà tăng giá mạnh gần đây của đồng Rúp lên mức cao nhất trong nhiều năm đã có một ảnh hưởng lớn dù chỉ là tạm thời trong việc kéo áp lực lạm phát xuống.
Dù giảm giá mạnh khi mới nổ ra chiến tranh, đồng Rúp Nga sau đó đã được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát vốn mà CBR triển khai từ cuối tháng 2 nhằm hạn chế rủi ro bất ổn tài chính và bảo vệ nền kinh tế trước sự trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
“Nhờ những yếu tố này, lạm phát đang giảm nhanh hơn dự báo của chúng tôi”, bà Nabiullina nói. “Điều đó cho phép chúng tôi giảm lãi suất ngày hôm nay mà không dẫn tới gia tăng áp lực lạm phát. Chúng tôi tính đến khả năng tiếp tục nới lãi suất trong những cuộc họp sắp tới”.
Theo CBR, các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga vẫn còn nhiều thách thức, nhưng rủi ro mất ổn định tài chính đã giảm đi ít nhiều, mở ra cơ hội để nới bớt các biện pháp kiểm soát vốn.
“Trong những tháng đầu (của chiến tranh), chúng tôi phải đưa ra những quyết định mang tính chiến thuật để ứng phó với cú sốc trừng phạt đầu tiên”, bà Nabiullina phát biểu. “Chúng tôi đã bảo vệ được ổn định tài chính và không cho phép vòng xoáy lạm phát bung nở. Nhưng dĩ nhiên, việc này không có nghĩa là chúng tôi có thể thở phào hoàn toàn”.
Một báo cáo của Capital Economics nhận định sự tăng giá của Rúp đã “mang lại cho các nhà hoạch định chính sách dư địa để đảo ngược các biện pháp khẩn cấp áp dụng từ tháng 2.
“Chúng tôi cho rằng CBR chưa chắc sẽ tiếp tục hạ lãi suất với tốc độ như thế này… Nhưng việc nới các biện pháp kiểm soát vốn và giảm thêm lãi suất có thể được tiến hành”, báo cáo viết.
Tỷ giá Rúp giảm mạnh so với USD trong khi bà Nabiullina phát biểu, trượt về mức 63,41 Rúp đổi 1 USD, “bốc hơi” 6,9%.
Theo ông Dmitry Polevoy, trưởng bộ phận đầu tư của LockoInvest, CBR có thể cắt giảm lãi suất thêm 0,5-1 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo vào ngày 10/6.
Phó thủ tướng Yuri Borisov nói rằng Nga cần tiền rẻ và chính sách tiền tệ không chỉ nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời bày tỏ hy vọng CBR đang mở ra một xu hướng mới. “Tôi muốn lãi suất ngày hôm nay giảm về 6-8%”, ông nói.
Bà Nabiullina nói CBR sẽ điều chỉnh dự báo lạm phát năm 2022 từ mức 18-23% đưa ra trong lần dự báo gần nhất. Bà nói lạm phát ở Nga sẽ giảm về 5-7% vào năm 2023 trước khi hạ về mục tiêu 4% của CBR vào năm 2024.
Lạm phát tại nước này hiện đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2002, nhưng mức lạm phát 17,51% ghi nhận hôm 20/5 đã giảm đáng kể từ mức 17,69% trước đó 1 tuần, phản ánh sự suy giảm của tiêu dùng.
Lạm phát cao đang làm suy giảm mức sống của người dân Nga. Hôm thứ Tư tuần này, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu tăng 10% lương hưu và lương tối thiểu để hỗ trợ người dân trong bối cảnh lạm phát cao.