Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều (cả hộ nghèo và cận nghèo) của tỉnh còn 4,27%, trong đó hộ nghèo chiếm 2,41%. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 là trên 365 tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống người dân. Cà Mau không có huyện nghèo, tuy nhiên có 6 xã đặc biệt khó khăn, cần nguồn lực lớn để đầu tư phát triển.
Tại cuộc làm việc với tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao công tác chỉ đạo thực hiện chương trình và đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Thứ trưởng cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn là để người dân có điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, làm sao giúp người dân bớt nghèo. Vì vậy, cần xác định rõ mục tiêu này và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lâu dài.
Đối với việc đa dạng hóa các mô hình sinh kế, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, cần làm sao giúp hộ nghèo sau khi tham gia mô hình là thoát nghèo, đó mới là mục tiêu quan trọng. Với một tỉnh thuần nông, có đất sản xuất, có sức lao động, quan trọng là biết tận dụng và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khơi dậy ý chí và khát vọng thoát nghèo của người dân.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng lưu ý, khi xây dựng mô hình sinh kế cần có doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ tham gia cho quy mô, chuỗi cung ứng cao hơn. Mô hình không chỉ sản xuất nông nghiệp mà cái nào tốt thì làm, kể cả tiểu thủ công nghiệp, thương mại nhưng phải có lãi, mới có thu nhập.
"Có thu nhập thì người dân mới thoát nghèo. Tránh việc gom hết vào mô hình nhưng đầu kỳ, cuối kỳ vẫn như nhau, hộ nghèo vẫn là nghèo thì mô hình này không đạt hiệu quả. Người dân khó khăn nhất là đầu ra. Do đó, nếu có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã thì đầu ra của người dân sẽ ổn định", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, muốn có việc làm tốt thì phải đào tạo nghề và việc này cũng phải tuyên truyền cho người dân. Cà Mau là nguồn cung lao động, khi có nhà đầu tư đến, họ cũng nhìn vào đó để đánh giá nguồn lực thế nào. Khi có thu nhập tốt, lao động sẵn sàng quay về địa phương, như vậy mới phát triển, giảm nghèo bền vững được.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng gợi mở, một trong những lĩnh vực có thể giúp người dân Cà Mau thoát nghèo bền vững đó là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lợi ích từ việc đi lao động ở nước ngoài đã thấy rõ như thu nhập cao, tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành luật pháp, nội quy công việc tốt hơn.
Tuy nhiên, số người đưa đi chưa nhiều, một phần do nhận thức. Vì vậy, Thứ trưởng lưu ý, cần tăng cường tuyên truyền, trong đó tuyên truyền bằng con người đã từng đi sẽ tạo ra sự tiếp cận tốt hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cần cùng tham gia vào việc tuyên truyền sẽ giúp người dân nhận thức rõ hơn, cộng với sự quyết tâm thì sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.