Hiện tại, hầu hết các địa điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú, trung tâm mua sắm, dịch vụ ăn uống,… đều nằm trên các trục quốc lộ trong nội ô thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Vì vậy mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau mới đây đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép triển khai thí điểm dùng xe điện 4 bánh phục vụ du khách một cách hạn chế trên các tuyến quốc lộ đi qua nội ô thành phố Cà Mau.
Xe điện 4 bánh ở đây là xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng điện nhằm phục vụ vận chuyển khách tham quan, du lịch vẫn thường được sử dụng ở các điểm du lịch trên nhiều địa phương cả nước.
Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau nêu rõ: Để tổ chức thực hiện thí điểm hoạt động xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng điện chở khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố Cà Mau, bắt buộc phải có hành trình đi qua một số đoạn, tuyến quốc lộ để vận chuyển hành khách đi lại thông suốt giữa các địa điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú, mua sắm, ăn uống và ngược lại.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến thống nhất cho xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện được phép hoạt động trên một số đoạn tuyến quốc lộ trong nội ô thành phố Cà Mau.
Cà Mau là một trong 35 tỉnh, thành cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế.
Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, nêu rõ:
“Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời cũng là cơ hội để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới”.
Quyết định số 876/QĐ-TTg cũng nêu mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Thông tư số 84/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đối với xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế, khoản 1 điều 3 chương I quy định: “Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có gắn động cơ, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 người (kể cả chỗ của người lái)”.
Khoản 10 điều 3 chương I cũng chỉ rõ: Xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế là xe chỉ hoạt động trên tuyến đường và thời gian theo quy định của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, địa phương lân cận Cà Mau (Cà Mau và Bạc Liêu tách ra từ tỉnh Minh Hải cũ) đã phê duyệt dự án thí điểm xe điện du lịch đồng thời đưa dự án vào vận hành thí điểm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Xe điện phục vụ du khách theo các tuyến tham quan khu vực nội ô thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và một số điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh.
Tại TP.HCM, tháng 4/2023 vừa qua, Sở Giao thông vận tải cũng đã có tờ trình gửi Uỷ ban nhân dân TP.HCM về việc phê duyệt Đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực thành phố.