Theo số liệu thống kê mới nhất, lạm phát lõi ở Mỹ thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu eurozone, lạm phát được dự báo sẽ giảm mạnh hơn kỳ vọng trong năm nay do gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ đang cho thấy ảnh hưởng nhẹ hơn dự báo.
Theo báo cáo ngày 15/5 của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 3,4% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi, thước đo không bao gồm giá của hai nhóm hàng hoá có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Tại châu Âu, Uỷ ban châu ÂU (EC) cùng ngày cho biết tốc độ lạm phát hàng năm tại eurozone sẽ giảm về 2,5% trong năm nay, trước khi đạt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) vào nửa sau của năm 2025. Lần cập nhật dự báo lạm phát này của châu Âu mang tới thông tin khả quan hơn so với trước đó. Trong dự báo hồi tháng 2, EC cho rằng lạm phát cả năm 2024 sẽ giảm còn 2,7% và năm 2025 sẽ còn 2,2%.
Giới phân tích cho rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm vì báo cáo CPI phản ánh rằng giá cả và các hoạt động kinh tế không tăng tốc. Ngoài ra, báo cáo doanh thu bán lẻ do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy sự đi ngang trong tháng 4, thay vì tăng 0,4% như dự báo của các nhà kinh tế. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của tiêu dùng, có thể thúc đẩy tiến trình giảm lạm phát.
Số liệu CPI “là một báo cáo rất dễ chịu, phù hợp với kịch bản hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ - cố vấn kinh tế Erica Groshen của Đại học Cornell nhận định.
“Chúng tôi tin đã đạt tới một bước ngoặt. Tăng trưởng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm nay và tiếp tục tăng tốc trong năm 2025. Tỏng khi đó, lạm phát sẽ tiếp tục giảm và đạt mục tiêu của ECB vào năm tới”, cao uỷ viên về kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni, phát biểu.
EC nói rằng lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng là do giá hàng hoá suy yếu, chủ yếu vì sự gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ đã không gây ra ảnh hưởng lớn như lo ngại trước đó.
Về triển vọng lãi suất Fed, báo cáo lạm phát mới nhất có lẽ chưa đủ để khiến ngân hàng trung ương này thay đổi toan tính về thời điểm bắt đầu giảm lãi suất, nhưng đã đủ để củng cố khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay và loại trừ khả năng Fed tăng lãi suất thêm lần nữa.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 75,3% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Khả năng này đã tăng từ mức 65,1% vào hôm thứ Ba.
Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), giới quan sát đang dự báo việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 6. Một tín hiệu khả quan nữa về kinh tế châu Âu là tiền lương vẫn tăng dù lạm phát được dự báo giảm - một xu hướng có thể kích thích sức mua của các hộ gia đình, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế châu Âu sau đại dịch Covid-19 phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, và còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Dù khởi sắc, tăng trưởng kinh tế châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục yếu hơn Mỹ và Trung Quốc.
Tại Mỹ, một tín hiệu khả quan khác về lạm phát là tốc độ tăng của giá thuê nhà đã giảm xuống. Trong những năm gần đây, giá thuê nhà tăng mạnh là một động lực chính cho sự leo thang của lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dù chặng đường cuối đưa lạm phát về 2% của Fed được giới chuyên gia cho là còn nhiều gian nan, lạm phát ở Mỹ đã giảm nhiều trong vòng 1 năm qua. Hồi tháng 4/2023, CPI Mỹ còn tăng 4,9%. Mức tăng ghi nhận vào tháng 4/2022 là 8,3%.
Đối với eurozone, lạm phát lập đỉnh ở mức 10,6% vào tháng 10/2022. Tháng 4 vừa qua, CPI ở khu vực này chỉ còn tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.