Ngày 29/11, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức cuộc họp giới thiệu Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” sẽ diễn ra từ ngày 4/12/2023 đến 10/1/2024 trên phạm vi toàn quốc.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Chương trình được tổ chức đồng thời trên phạm vi toàn quốc, do Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hiệp hội, ngành hàng; doanh nghiệp, tổ chức có liên quan để thực hiện.
Tất cả các doanh nghiệp đều có quyền hưởng ứng, tham gia Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023” bằng việc chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn hướng đến khách hàng, người tiêu dùng thông qua hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện…; chủ động quyết định áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa (lên đến 100%).
Theo ông Tài, Vietnam Grand Sale 2023 được triển khai với mục tiêu tạo ra một khoảng thời gian vào dịp cuối năm để tất cả các thương nhân (doanh nghiệp) thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế của Việt Nam chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình khuyến mại. Trong đó, hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại có thể lên đến 100% tùy vào lựa chọn của doanh nghiệp, thay cho việc bị giới hạn ở mức 50%.
Giải thích về việc khuyến mại có thể lên tới mức 100%, ông Tài cho rằng theo quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP: Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (đợt Tết âm lịch: 30 ngày trước ngày đầu tiên của năm âm lịch) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%.
“Như vậy theo quyết định và quy định này, thương nhân được thực hiện khuyến mại lên đến hạn mức 100% từ ngày 04 tháng 12 năm 2023 đến ngày 09 tháng 02 năm 2024”, ông Tài thông tin.
Tuy nhiên, đi cùng với các hoạt động khuyến mại, các doanh nghiệp phải đảm bảo việc thực hiện khuyến mại hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như các quy định về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.
Cụ thể hơn, ông Mai Văn Sơn, Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, cho hay hiện đã có hơn 40 địa phương ban hành chương trình riêng, lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại kết hợp với hoạt động văn hoá du lịch.
Để tránh tình trạng khuyến mại ảo, Chương trình có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
Cũng theo Bộ Công Thương, chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 thu hút 27.450 chương trình khuyến mại, năm 2021 là 56.410 chương trình và năm 2022 gần 70.000 chương trình. Năm nay, ban tổ chức kỳ vọng có hơn 100.000 chương trình khuyến mại được thực hiện.
Thông qua hoạt động khuyến mại đã đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 đạt 514,2 nghìn tỷ đồng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 12/2022 đạt 515,8 nghìn tỷ đồng tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp nối thành công của Chương trình các năm trước, Vietnam Grand Sale 2023 được kỳ vọng sẽ giúp tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam năm 2023.