Nhật Bản là nơi đầu tiên sản sinh ngôi sao ca nhạc 3D, theo tờ Pitchfork. Ca sỹ ảo Kyoko Date được HoriPro - công ty tìm kiếm tài năng lớn nhất Nhật Bản - tạo ra vào năm 1995. Ý tưởng là Kyoko không bao giờ vướng bê bối, không mệt mỏi về thể chất, tinh thần khi tham gia các hoạt động. Công ty đầu tư hàng triệu USD, đội ngũ nhân viên đông đảo. Tuy nhiên, Kyoko Date không đạt thành công về thương mại do hạn chế kỹ thuật.
Sau đó, các công ty Nhật liên tiếp ra mắt nghệ sĩ ảo, trong đó có Hatsune Miku được xem là biểu tượng. Ca sĩ 16 tuổi, có bím tóc màu ngọc lam đặc trưng. Giọng của Miku do Saki Fujita - diễn viên lồng tiếng anime - và phần mềm vocaloid (người ảo có thể phát ra âm thanh) tạo nên. Sau 16 năm hoạt động, Hatsune Miku có hơn 100.000 bài hát. Từ năm 2008, cô tổ chức nhiều buổi hòa nhạc trực tiếp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, đa phần "cháy vé".
Viện Nghiên cứu Nomura ước tính từ tháng 8/2008 đến tháng 3/2012, Hatsune Miku mang về hơn 10 nghìn tỷ yên. Doanh thu bao gồm cả những sản phẩm phái sinh từ đĩa nhạc Hatsune Miku như: game, video quảng cáo, vật dụng lưu niệm. Năm 2019, các buổi biểu diễn trực tiếp của ca sĩ được phát trên nền tảng video Bilibili của Trung Quốc, đạt hơn 7,5 triệu người xem, thu về 73,3 triệu nhân dân tệ (251 tỷ đồng). Một năm sau, cô tham gia buổi phát trực tiếp của Taobao, thu hút ba triệu người xem, khiến hệ thống ngừng hoạt động vì quá tải.
Trang cá nhân của Miku ngày 17/3 vừa qua đã thông báo cô sẽ tổ chức concert trực tuyến vào mùa thu, nhằm kết nối người hâm mộ trên khắp thế giới. Trong lĩnh vực thời trang, cô được Riccardo Tisci - giám đốc sáng tạo của Givenchy - thiết kế riêng cho chiếc đầm Haute Couture. Trong buổi biểu diễn vở opera vocaloid đầu tiên trên thế giới, Hatsune Miku mặc thiết kế hai mảnh họa tiết bàn cờ do Marc Jacobs sáng tạo. Theo Paper, Hatsune Miku có khoảng hàng chục triệu người hâm mộ trên toàn cầu, thu về khoảng 35,35 triệu USD mỗi năm, tương đương một số ngôi sao nhạc pop hàng đầu ở Trung Quốc.
Ở nước láng giềng, cách đây chưa đầy hai tháng, video âm nhạc đầu tiên của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc Mave đã lan truyền nhanh chóng, thu hút gần 20 triệu lượt xem trên YouTube, tạo tiền đề cho thành công trên toàn cầu của K-pop trong không gian mạng. Thoạt nhìn, Mave trông giống như bất kỳ ban nhạc K-pop thần tượng nào khác - ngoại trừ chỉ tồn tại ảo. Bốn thành viên gồm Siu, Zena, Tyra và Marty sống trong siêu vũ trụ cùng các bài hát, điệu nhảy, cuộc phỏng vấn và thậm chí cả kiểu tóc của họ do các nhà thiết kế web và trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Các hình đại diện gần giống con người của Mave cung cấp một cái nhìn sơ bộ về khả năng phát triển của metaverse khi các ngành công nghiệp giải trí và công nghệ của Hàn Quốc bắt tay vào công nghệ non trẻ này. Điều đó cũng thể hiện sự thúc đẩy nghiêm túc của gã khổng lồ công nghệ Kakao Corp trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực giải trí. Trước đó Kakao cho biết đã đầu tư hơn 9 triệu USD vào Metaverse Entertainment - công ty con được thành lập với công ty trò chơi Netmarble Corp để tạo ra Mave. Công ty từ chối đưa ra bất kỳ dự báo thu nhập nào từ liên doanh.
Mave là dự án nhằm khám phá các cơ hội kinh doanh mới và tìm cách giải quyết những thách thức về công nghệ, theo Chu Ji-yeon, người đứng đầu Metaverse Entertainment. Với sự hỗ trợ của bộ tạo giọng nói từ AI, các thành viên của Wave có thể nói bốn ngôn ngữ: Hàn, Anh, Pháp và tiếng Bahasa. Nhưng các thành viên phải dựa vào kịch bản do con người chuẩn bị khi phát biểu.
Tại Việt Nam, ca sĩ ảo Ann cũng vừa gây chú ý với MV Làm sao nói thương anh (Kim Ngân), hiện đạt đã hơn 150 nghìn lượt xem trên YouTube. Tạo hình cô là ca sĩ 18 tuổi, mang nét đẹp Á Đông, giọng hát cũng do AI xử lý. Trước đó, hai ca sĩ ảo Michau và Damsan từng xuất hiện tại Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 ở TP.HCM qua hình thức trình chiếu hologram, giọng do người thật đảm nhận được chuyển thành âm thanh ảo.
Các nghệ sĩ ảo được nhận định giúp giảm bớt rủi ro và có tiềm lực kinh tế lớn trong ngành giải trí. Trên tờ Yonhapnews, giáo sư ngành truyền thông Lee Hye Jin cho biết: "Ca sĩ ảo dễ kiểm soát hơn, không bị ràng buộc về thể chất và cảm xúc. Họ không bị cám dỗ bởi ma túy, dính vào các bê bối tình dục như thần tượng người thật". Còn Shi Wenxue, nhà phê bình văn hóa ở Bắc Kinh nói trên tờ GlobalTimes rằng thần tượng ảo giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo. Ngoài ra, việc duy trì một độ tuổi mãi mãi cũng là lợi thế khác biệt trong ngành công nghiệp có sự đào thải khốc liệt.
Nghệ sĩ ảo có thể mang đến nguồn thu từ MV, biểu diễn trực tiếp, bán các vật phẩm liên quan, đại diện thương hiệu quảng cáo, đặc biệt trong thời đại số hiện nay.
Báo cáo của công ty nghiên cứu iiMedia cho biết ngành công nghiệp này ở Trung Quốc thu về 3,5 tỷ nhân dân tệ (547 triệu USD) vào năm 2020, đạt hơn 6 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021. Theo Bloomberg, Jin Yuchen - giám đốc điều hành AlphaLink - cho rằng Gen Z là đối tượng khán giả mục tiêu. Báo cáo năm 2019 của iQiyi cho thấy 64% người trong độ tuổi từ 14 đến 24 theo dõi thần tượng ảo.
Tuy nhiên, thần tượng ảo cũng gặp nhiều bất lợi. Theo đại diện công ty Shanghai Henian, dàn dựng một buổi hòa nhạc của nghệ sĩ ảo tốn nhiều nguồn lực hơn. Để chuẩn bị một show trong khoảng hai giờ cho ca sỹ ảo Lạc Thiên Y tại Trung Quốc, đội ngũ khoảng 200 người từ đại lục và Nhật Bản làm việc suốt sáu tháng. Mọi chuyển động, nét mặt phải được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật chụp chuyển động và mô hình 3D phức tạp.
Ngoài ra, dù các nhà sáng lập đã cố gắng kết hợp các âm thanh thật, sống động để giọng của ca sĩ ảo chân thật nhất có thể, các thần tượng này vẫn không thể đáp ứng tính cảm xúc trong âm nhạc. Và với nhiều khán giả, cảm xúc là yếu tố tiên quyết tạo nên sự thành công và chỗ đứng lâu bền cho ca sĩ. Các ca sĩ ảo cũng khó tiến hành việc giao lưu một cách sống động trong khi với văn hóa thần tượng hiện nay, các khán giả thích gặp nghệ sĩ, được giao lưu, trò chuyện cùng họ thậm chí còn hơn cả việc nghe họ hát.
Dù vậy, thần tượng ảo vẫn sẽ ngày càng tăng về số lượng, cuộc chiến sẽ ngày càng gay gắt không chỉ trên không gian ảo mà còn giữa các thần tượng thật vào ảo. Xu hướng này buộc tất cả đều phải ngày càng hoàn thiện, nỗ lực chinh phục khán giả để giữ vị thế của mình trong lòng người hâm mộ.