May 13, 2025 | 14:05 GMT+7

Thời kỳ đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt của ngành thời trang

Băng Sơn -

Việc tân giám đốc sáng tạo Loewe gọi tên bộ đôi nhà sáng lập của Proenza Schouler khiến lượt tìm kiếm thương hiệu trên Lyst tăng 38%, giúp hãng vượt mặt Miu Miu để giành lại vị trí số 1 trong quý I năm 2025…

Thuế quan và quá trình chuyển đổi sáng tạo là hai trọng tâm trong quý đầu tiên của ngành hàng xa xỉ. Ảnh: Vogue
Thuế quan và quá trình chuyển đổi sáng tạo là hai trọng tâm trong quý đầu tiên của ngành hàng xa xỉ. Ảnh: Vogue

Đội ngũ nhà thiết kế đình đám tại LVMH đang cho thấy tham vọng toàn cầu hoá. Tập đoàn này mới đây đã công bố thêm sắc màu sáng tạo cho Loewe: Jack McCollough và Lazaro Hernandez, hai nhà sáng lập thương hiệu Proenza Schouler.

Bộ đôi này sẽ kế nhiệm Jonathan Anderson, người đã định hình tầm nhìn phóng khoáng kết hợp tinh hoa thủ công và văn hóa để đưa Loewe vươn lên gặt hái doanh thu ước tính hơn 1,5 tỷ USD/năm.

Có thể nói, nếu chỉ chọn một từ để mô tả quý đầu tiên của năm 2025, thì đó là chuyển dịch. Trong vòng ba tháng, tám nhà mốt xa xỉ đồng loạt tuyên bố thay đổi vị trí giám đốc sáng tạo, trong đó bốn cái tên đang nằm trong top thương hiệu hot nhất. Những cái tên như Donatella Versace rời Versace, Demna đảm nhận vai trò tại Gucci, hay Matthieu Blazy chuyển sang Chanel đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về nguyên nhân và tác động của những thay đổi này.

Giới chuyên gia cho rằng bản chất ngành thời trang đòi hỏi phải “thay máu” liên tục để tránh lặp lại và làm mới dòng chảy xu hướng. Dù tài năng đến đâu, một giám đốc sáng tạo cũng có thể đối mặt với sự bão hòa phong cách sau nhiều mùa mốt. Bên cạnh đó, khi các “ông lớn” như LVMH hay Kering thâu tóm thêm thương hiệu, họ thường tận dụng cơ hội này để tái định vị nhãn hàng: từ việc sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo sáng tạo cho đến mở rộng sang những mảng mới như thời trang số. 

Thời kỳ đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt của ngành thời trang - Ảnh 1

Mới đây, nền tảng thời trang toàn cầu Lyst đã công bố danh sách 10 thương hiệu thời trang được tìm kiếm nhiều nhất trong quý 1/2025. Các con số dựa trên phân tích dữ liệu từ khoảng 200 triệu người dùng, bao gồm lượt tìm kiếm, mua sắm, lượt tương tác trên mạng xã hội và đề cập truyền thông đã phản ánh rõ sự dịch chuyển chiến lược trong ngành.

Từ năng lượng sáng tạo mới đến sức mạnh của cộng đồng và những item “viral” mạng xã hội, các thương hiệu "chuyển động nhanh" trong quý của Lyst là Duran Lantink (gần đây đã giành giải thưởng Woolmark và cũng là giám đốc sáng tạo thường trực mới được bổ nhiệm tại Jean Paul Gaultier), Dries Van Noten (người có đĩa CD mới đang gây sốt) và thương hiệu denim Levi's (vừa mới cho ra mắt dự án hợp tác mạnh mẽ với Beyoncé).

Việc Loewe vươn từ vị trí thứ 4 trong quý 44/2024 lên dẫn đầu bảng xếp hạng đầu năm nay không phải là kết quả của một chiến dịch ngắn hạn, mà là minh chứng cho chiến lược định hình thẩm mỹ bền vững mà Anderson đã dày công xây dựng trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, Loewe không chỉ là một thương hiệu thời trang cao cấp, mà còn trở thành biểu tượng của “thời trang sưu tầm” – nơi các thiết kế cuối cùng mang giá trị kỷ niệm và đầu tư hơn cả tính tiêu dùng đơn thuần.

Loewe.
Loewe.

Trong khi đó, Miu Miu, thương hiệu đình đám trực thuộc Prada, xếp vị trí thứ hai vẫn chứng tỏ sức ảnh hưởng vững chắc. Những thiết kế mang hơi hướng Y2K như giày ballet, chân váy mini hay áo cardigan mỏng vẫn tiếp tục làm mưa làm gió khắp các nền tảng mạng xã hội và đường phố.

Một trong những cú bứt phá bất ngờ thuộc về Coach, thương hiệu Mỹ đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục lên vị trí thứ 4 nhờ vào chiến dịch tái định vị thương hiệu và các sản phẩm mang hơi hướm retro kết hợp giá cả dễ tiếp cận. Tương tự, COS, thương hiệu thuộc tập đoàn H&M, tiếp tục chứng minh rằng thời trang tối giản, tinh tế vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, đặc biệt ở nhóm khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng phong cách Bắc Âu hiện đại.

Saint Laurent và Prada vẫn giữ vị thế ổn định, thể hiện rõ bản lĩnh của các “ông lớn” trong làng thời trang cao cấp, trong khi Bottega Veneta và The Row tiếp tục chứng minh rằng giá trị thủ công và sự tối giản tinh tế không bao giờ lỗi thời. Skims của Kim Kardashian tụt 4 bậc, cho thấy thị trường đồ lót định hình đã bắt đầu bão hòa…

Về sản phẩm, mẫu quần ống loe Celine được Kendrick Lamar diện khi trình diễn Superbowl là sản phẩm hot nhất của quý 1. Theo Lyst, việc rapper Kendrick mặc quần jeans này đã thúc đẩy lượng tìm kiếm "quần jeans ống loe" tăng 412%. Giày thể thao đế thấp tiếp tục dẫn đầu xu hướng thời đại với giày Taekwondo của adidas và giày ballet đế bằng Speedcat của Puma lần lượt xếp thứ hai và thứ ba.

Thời kỳ đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt của ngành thời trang - Ảnh 2
Thời kỳ đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt của ngành thời trang - Ảnh 3
 

Bên cạnh đó, Lyst báo cáo mức tăng đột biến 1.300% trong các tìm kiếm cho "giày ballet", kiểu giày lai này rõ ràng đang thống trị thế giới. Tất của Uniqlo đứng ở vị trí thứ tám. Với giá 3,80 USD, đôi tất này là sản phẩm có giá cả phải chăng nhất từng xuất hiện trong lịch sử bảng xếp hạng của Lyst. Phải chăng đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo suy thoái?

Là bảng xếp hạng hàng quý về những thương hiệu và sản phẩm thời trang được săn đón nhất toàn cầu, Lyst không chỉ phản ánh xu hướng tiêu dùng mà còn là một trạm radar theo dõi từng chuyển động của ngành công nghiệp thời trang. Danh sách năm nay không chỉ phản ánh xu hướng thời trang thịnh hành mà còn thể hiện sự đa dạng trong phong cách và chiến lược tiếp cận người tiêu dùng.

Trong bối cảnh ngành thời trang xa xỉ đang trải qua sự chuyển dịch sâu rộng về văn hóa và cách thức kết nối với khách hàng, việc thay đổi giám đốc sáng tạo là tín hiệu cho sự đổi mới về mặt thẩm mỹ và là chiến lược then chốt để duy trì giá trị thương hiệu trước áp lực của truyền thông và kỳ vọng từ công chúng.  

Thế hệ khách hàng trẻ, đặc biệt là Gen Z không còn chỉ tìm đến những món đồ xa xỉ vì một logo hay mức giá “độc quyền”, mà còn vì câu chuyện văn hóa, tinh thần bền vững và sự khẳng định bản sắc cá nhân mà thương hiệu mang lại.

Họ ưu tiên những nhãn hàng thể hiện rõ thông điệp về đa dạng, sáng tạo táo bạo và trách nhiệm xã hội. Điều này tạo ra một thách thức kép cho các thương hiệu xa xỉ: vừa phải gìn giữ di sản, lịch sử của nhà mốt, vừa phải liên tục làm mới để không trở nên lạc hậu trong mắt những người tiêu dùng nhạy bén với xu hướng. 

Rapper Kendrick Lamar diện quần Jeans Celine tại Super Bowl giúp thương hiệu thu về hơn 2 triệu USD giá trị truyền thông.
Rapper Kendrick Lamar diện quần Jeans Celine tại Super Bowl giúp thương hiệu thu về hơn 2 triệu USD giá trị truyền thông.

Trong bối cảnh đó, bảng xếp hạng quý đầu năm của Lyst như một cảnh báo cho một thời kỳ đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt, khi các thương hiệu liên tục làm mới không chỉ thiết kế mà còn đặt ra tầm nhìn, định hình câu chuyện thương hiệu để làm mới hình ảnh, đồng thời “cứu” doanh số đang sụt giảm do thuế quan cũng như căng thẳng địa chính trị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate