September 20, 2022 | 12:53 GMT+7

Cả thế giới “chạy đua” chống lạm phát, riêng Nhật Bản kiên trì lãi suất âm

An Huy -

Trên thế giới hiện nay, còn duy nhất BOJ áp dụng lãi suất âm. Lập trường mềm mỏng này có thể sẽ khiến đồng Yên Nhật, vốn đã rớt giá thảm hại so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác trong thời gian gần đây, tiếp tục mất giá...

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda - Ảnh: Bloomberg.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda - Ảnh: Bloomberg.

Sự “đơn thương độc mã” chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ càng trở nên nổi bật hơn trong tuần này, khi các ngân hàng trung ương từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho tới Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Theo hãng tin Bloomberg, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda và các đồng nghiệp của ông được dự báo là sẽ “án binh bất động” khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày thứ Năm. Trước đó vài giờ, Fed sẽ công bố kết quả cuộc họp, nhiều khả năng bao gồm đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp.

Trên thế giới hiện nay, còn duy nhất BOJ áp dụng lãi suất âm. Lập trường mềm mỏng này có thể sẽ khiến đồng Yên Nhật, vốn đã rớt giá thảm hại so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác trong thời gian gần đây, tiếp tục mất giá.

Tuần trước, khi tỷ giá đồng Yên so với USD giảm xuống gần ngưỡng thấp nhất 24 năm, nhà chức trách ở Tokyo đã đẩy mạnh sự cảnh báo về đà trượt giá chóng mặt của đồng nội tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phát tín hiệu rằng sự can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối đang là một trong số những lựa chọn được tính đến, và trong trường hợp cần thiết, việc can thiệp sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và không có báo trước.

Tỷ giá USD so với Yên Nhật qua các năm. Đơn vị: Yên/USD.
Tỷ giá USD so với Yên Nhật qua các năm. Đơn vị: Yên/USD.

Mặc nỗi lo về tình trạng mất giá của đồng Yên, Thống đốc Kuroda vẫn không hề lay chuyển trong lập trường chính sách tiền tệ. Ông có nói rằng sự mất giá nhanh chóng của đồng Yên là điều không được mong đợi. Nhưng ngay cả khi đồng Yên rớt giá xuống mức 144,99 Yên đổi 1 USD trong tháng 9 này, BOJ vẫn tiếp tục giữ quan điểm rằng một đồng Yên yếu, nếu ổn định, là nhân tố tích cực cho nền kinh tế nói chung - nguồn thạo tin tiết lộ.

“Đồng Yên có thể tụt dưới mốc 145 Yên đổi 1 USD, nhưng việc cứ đâm đầu vào bán Yên có thể cũng giống như đùa với lửa vậy”, chuyên gia Kyohei Morita của Nomura Securities cảnh báo các nhà bán khống Yên Nhật. “Sự khác biệt lần này là các nhà giao dịch cần cân nhắc giữa một bên là lập trường nới lỏng không suy suyển của ông Kuroda và một bên là những lời cảnh báo cứng rắn của các quan chức quản lý tiền tệ của Nhật Bản”.

Ngay cả khi BOJ cố gắng điều chỉnh chính sách tiền tệ một chút để phản ứng với sự mất giá của đồng Yên, thì việc đó cũng chẳng mang lại tác dụng gì - ông Kuroda đã bày tỏ quan điểm như vậy. Hồi tháng 7, ông nói rằng để ngăn sự trượt giá của đồng Yên, lãi suất cơ bản của BOJ cần được nâng mạnh, mà cách làm như vậy sẽ chẳng khác gì một đòn giáng vào nền kinh tế còn đang chật vật phục hồi sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra.

Dù vậy, lập trường của BOJ đi kèm với cái giá ngày càng đắt. Trong khi BOJ giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%, mức trần 0,25% mà BOJ áp lên lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đang đối mặt với sức ép điều chỉnh. Tuần trước, xu hướng bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản lên kịch trần lần đầu tiên kể từ tháng 6. Riêng trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm tuần trước, BOJ đã phải chi 1,4 nghìn tỷ Yên, tương đương 9,8 tỷ USD, để mua vào trái phiếu nhằm bảo vệ mức trần lợi suất.

Ông Hideo Hayakawa, một cựu quan chức BOJ nói với Bloomberg rằng BOJ nền điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vì việc áp trần lợi suất này đang là một nguyên nhân khiến đồng Yên rớt giá mạnh.

Trong khi đó, giới chức BOJ đã nói rằng việc nâng trần lợi suất chẳng khác gì tăng lãi suất, đồng nghĩa họ bác bỏ lựa chọn này cho tới khi đạt được một mức lạm phát bền vững trong nền kinh tế.

Trong lúc ông Kuroda chờ đợi những tín hiệu của sự tăng giá bền vững và tiền lương đi lên, lạm phát ở Nhật tiếp tục mạnh lên với tốc độ cao hơn kỳ vọng. Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái - theo báo cáo của Chính phủ nước này ngày 20/9. Mức lạm phát này cao hơn mục tiêu 2% của BOJ, khiến cho BOJ sẽ phải giải thích nhiều hơn nếu tiếp tục giữ nguyên lập trường chính sách mềm mỏng sau cuộc họp vào ngày thứ Năm.

Nếu BOJ có một động thái bất ngờ nào đó, nhiều khả năng đó sẽ là điều chỉnh dự báo về lãi suất trong tương lai, vì đây là cách dễ hơn so với điều chỉnh trần lợi suất. Hiện tại, BOJ dự kiến lãi suất sẽ duy trì “ở mức hiện tại hoặc thấp hơn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate