Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Tài nguyên và Môi trường ngày 27/12 tại Hà Nội, đại diện các Bộ, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến giúp ngành giải quyết những vướng mắc về thể chế cũng như nhiều vấn đề đang được người dân quan tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành năm nay có nhiều đổi mới. Một trong số đó là thay vì nghe các địa phương báo cáo kết quả, Bộ sẽ dành thời gian để lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành tham dự hội nghị.
Mở đầu phần ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường kết nối với người dân cho ngành Tài nguyên và Môi trường.
Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề liên quan đến sự thay đổi vận hành của cả hệ thống, vì vậy, vai trò người đứng đầu là quyết định.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh - Khương Trung.
Người đứng đầu không chỉ ra quyết định về sự thay đổi mà bản thân mình phải thay đổi về cách thức điều hành tổ chức, bộ máy trong công việc hàng ngày. Chỉ có như vậy, sự thay đổi mới chạy từ trên xuống dưới.
Cùng với đó, cần có một chiến lược xuyên suốt, đi qua nhiều nhiệm kỳ. Bởi vì, công nghệ thông tin là một chặng đường dài, liên tục chứ không phải chỉ 1 - 2 năm.
"Công nghệ thông tin, nhất là chuyển đổi số là sự thay đổi về nhận thức, cách thức vận hành. Do vậy, không nhanh được, không phải một sớm một chiều, phải đầu tư nhiều năm rồi mới thấy kết quả, những gì mang tính phong trào, nóng vội sẽ dễ chết sớm và tốn kém", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng phải tập trung vào cả 4 mối quan hệ, 2 mối quan hệ với bên ngoài, 2 mối quan hệ với bên trong. Đó là, Bộ với người dân, Bộ với doanh nghiệp; giữa các cơ quan trong nội bộ của Bộ với các bộ ngành, tỉnh thành khác và giữa Bộ với nhân viên của mình.
Với một bộ có dự án được triển khai phân tán ở các tỉnh thành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ cần có cơ quan điều phối thống nhất, có nhạc trưởng.
"Có một cơ quan điều hành chung để tổng hợp, giám sát, nhìn thấy toàn cảnh để đánh giá, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ở Bộ thì cơ quan điều phối này có thể là Cục Công nghệ thông tin. Cục này có nhiệm vụ thống nhất thiết kế chung, đảm bảo kết nối và đầu tư các hạ tầng dùng chung. Tuy nhiên, liên quan đến đầu tư thi Cục này nên đi thuê làm chứ không nên làm trực tiếp", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến.
Trong khi đó, đóng góp các ý kiến về vấn đề đất đai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm trình Thường trực Chính phủ cho ý kiến thống nhất về định hướng sửa đổi 7 nội dung lớn, hệ trọng của Luật Đất đai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh - Khương Trung.
Đó là, các chính sách tài chính liên quan đến đất đai; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; chính sách đất trồng lúa và an ninh lương thực quốc gia; hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; đất có yếu tố nước ngoài.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ cần có giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, cũng như rác thải ở khu vực nông thôn, do đây là vấn đề hết sức cấp bách, hiện đang gây bức xúc trong bà con.
Đặc biệt, Bộ cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội.
Về quy định các dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện để kiến nghị chính xác loại dự án nào phải lập, loại nào không.
Bởi vì, theo ông, trên thực tế, có nhiều dự án không nhất thiết phải lập báo cáo.
Bộ cũng cần chú trọng tăng cường tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để đảm bảo minh bạch, công bằng và giảm chi phí giao dịch của nền kinh tế nói chung, và chi phí của các doanh nghiệp nói riêng.
"Các thống kê đều cho thấy, những thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường còn rất nhiều dư địa về cải cách, hoàn thiện", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2019, cả nước đã giải quyết hơn 2 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, nhiều tỉnh không có hồ sơ chậm muộn hoặc quá hạn hoặc tỷ lệ quá hạn dưới 0,5%.
Chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm 10,7%, tỷ lệ phản ánh bôi trơn khi làm sổ đỏ đã giảm 29% so với năm 2016.
Về công tác thực thi pháp luật, trong năm 2019, đã tiến hành 1.254 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 5.600 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính, truy thu 82 tỷ đồng, thu hồi 1.484 ha đất.
Đối với công tác triển khai lập quy hoạch sử dụng đất, đã xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai với diện tích 18.844 ha. Chuyển dịch 24,5 nghìn ha đất cho phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở, đưa 43,6 nghìn ha đất chưa sử dụng vào sử dụng.