Châu Âu một lần nữa đã trở thành tâm chấn của đại dịch, buộc một số chính phủ phải cân nhắc tái triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn virus lây lan. Áo đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp phong tỏa trên toàn quốc với những người chưa hoàn thành tiêm phòng.
Trong khi đó, các chuyên gia Pháp đã lên tiếng báo động về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vì những thay đổi chưa từng thấy trước đây ở protein của nó. Biến chủng mới mang tên B.1.X hay B.1.640, đã lây nhiễm cho 24 trường hợp trong một trường học (18 trẻ em và 6 người lớn) ở vùng Brittany vào tháng 10 khiến ngôi trường này phải đóng cửa.
Sau khi phong tỏa và xét nghiệm khoảng 500 người liên quan, giới chức y tế không phát hiện thêm ca lây nhiễm biến chủng B.1.640. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng Pháp cho biết biến chủng B.1.640 vẫn đang được theo dõi chặt chẽ. Giới chuyên gia nước này đặc biệt chú ý và lo ngại khi biến chủng B.1.X có một số đột biến hoàn toàn mới. Protein đột biến cho phép virus bám vào tế bào người và lây nhiễm bị loại bỏ một số thành phần so với chủng gốc.
Bộ Y tế Pháp cho biết vào chiều qua, 15/11, rằng các phân tích ban đầu không cho thấy sự đột biến này dễ lây lan hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn so với các phiên bản trước đó của virus. Cơ quan y tế khu vực của Brittany cho biết: "Các cuộc điều tra sẽ được tiến hành để xác định biến thể này phản ứng như thế nào với vaccine tiêm chủng và kháng thể được phát triển trong quá trình nhiễm Covid trước đây".
Các nhà khoa học cũng muốn tìm hiểu xem liệu biến thể có thể "trốn" xét nghiệm hay không sau khi một số bệnh nhân thực hiện xét nghiệm PCR âm tính và chỉ trả về kết quả dương tính từ các mẫu lấy từ máu hoặc sâu trong hệ hô hấp. Các xét nghiệm phản ứng Chuỗi Polymerase được sử dụng để phát hiện trực tiếp sự hiện diện của kháng nguyên, thay vì sự hiện diện của phản ứng miễn dịch của cơ thể hoặc các kháng thể.
Theo Le Telegramme, ngoài Pháp, tỷ lệ mắc biến chủng mới tại các quốc gia khác vẫn còn khá thấp. Chỉ có khoảng 25 - 30 trường hợp lây nhiễm biến chủng B.1.X xuất hiện rải rác ở Vương Quốc Anh, Thụy Sĩ, Scotland và Italy. Nhóm chuyên gia tại các nước này đang cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi: liệu sự thiếu hụt của một số đột biến trong giải trình tự gene của B.1.640 có khiến nCoV lây nhiễm ít đi không hay sẽ khiến nó hình thành chủng mới đáng gờm hơn.
Khi truy tìm nguồn lây của chùm ca bệnh mới, nhóm chuyên gia tại Pháp phát hiện B.1.X có nguồn gốc từ châu Phi. Bệnh nhân số 0 đến từ Nantes và lây truyền virus trong một bữa tiệc ở Bannalec. GS Cyrille Cohen, Đại học Bar-Ilan, Pháp cho rằng đó là minh chứng cho hậu quả của việc bất bình đẳng trong phân phối vaccine. “Một nhóm dân số trên thế giới không được tiếp cận vaccine. Điều này khiến virus tiếp tục nhân lên và tạo ra nhiều biến chủng hơn nữa. Điều đáng lo là chúng ta không biết chúng sẽ nguy hiểm đến mức nào”.
Từ ngày 11/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng thêm B.1.640 vào danh sách các biến chủng đang theo dõi. Đây không phải là lần đầu tiên thế giới ghi nhận các biến chủng nCoV mới. Trong vài tháng qua, hàng trăm đột biến đã xuất hiện trên toàn cầu và gây ra các chùm lây nhiễm lẻ tẻ ở các quốc gia. Tuy nhiên, các bằng chứng hiện tại cho thấy hầu như không biến chủng nào nguy hiểm như Delta.
Trong những ngày qua, đại dịch Covid-19 đang diễn biến xấu đi tại châu Âu. Số ca nhiễm gia tăng rất nhanh tại nhiều nước châu Âu, như tại Đức lần đầu tiên ghi nhận trên 50.000 ca nhiễm/ngày. Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 39.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Theo đánh giá của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, trong số 27 nước thành viên EU thì Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, CH Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Các quốc gia khác được xếp vào loại “đáng lo ngại” là Đức, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Romania và Slovakia. Phần lớn các quốc gia nhằm trong nhóm đáng báo động nằm ở Trung, Đông và Bắc Âu, trong khi các nước Tây Âu và ven Địa Trung Hải dường như chịu ảnh hưởng nhẹ hơn.
Điều này đã buộc một số nước châu Âu áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa, như Hà Lan tiến hành phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ hôm 13/11 và tại Áo, từ ngày 15/11, những người chưa tiêm vaccine sẽ bị hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. Trong những tuần tới, khi Giáng sinh đến gần, mức độ tụ họp, đi mua sắm của người dân châu Âu tăng cao, khả năng một số nước khác cũng sẽ phải tính đến việc áp dụng trở lại một số biện pháp phong tỏa, như hủy bỏ các lễ hội cuối năm, đóng cửa một số tụ điểm vui chơi...