February 04, 2012 | 08:56 GMT+7

Các “đại gia” điện tử Nhật thi nhau lỗ nặng

An Huy

Tập đoàn điện tử Panasonic của Nhật Bản vừa đưa ra mức dự báo lỗ ròng kỷ lục 10,2 tỷ USD cho năm tài khóa hiện tại

Trong quý 4/2011, Sony lỗ 2,06 tỷ USD, nâng tổng số lỗ ròng của 3 quý đầu năm tài khóa lên 2,5 tỷ USD.
Trong quý 4/2011, Sony lỗ 2,06 tỷ USD, nâng tổng số lỗ ròng của 3 quý đầu năm tài khóa lên 2,5 tỷ USD.
Tập đoàn điện tử Panasonic của Nhật Bản vừa đưa ra mức dự báo lỗ ròng kỷ lục 10,2 tỷ USD cho năm tài khóa hiện tại. Trước đó, hai hãng điện tử lớn khác của xứ mặt trời mọc là Sony và Sharp cũng cảnh báo giới đầu tư về những con số thua lỗ khổng lồ.

Theo tin từ Reuters, khi công bố kết quả kinh doanh quý 4/2011 vào ngày 3/1, Panasonic cho biết, công ty này đang chuẩn bị đón nhận khoản lỗ ròng 780 tỷ Yên, tương đương 10,24 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 31/3 tới đây.

Mức dự báo thua lỗ này cao hơn gần gấp đôi so với khoản lỗ 6,2 tỷ USD mà Panasonic đưa ra trong lần dự báo trước. Phần lớn khoản thua lỗ này xuất phát từ chi phí tái cấu trúc và giá trị tài sản bị đánh tụt.

Trong quý 4/2011, Panasonic lỗ 197,6 tỷ Yên, từ chỗ làm ăn có lãi vào cùng kỳ năm trước. Hiện hãng này đang trong quá trình sa thải 17.000 nhân viên và công tác cắt giảm việc làm này sẽ kết thúc vào tháng 3.

Vào ngày 2/2, đối thủ đồng hương của Panasonic, hãng Sony, dự báo lỗ 220 tỷ Yên, tương đương 2,9 tỷ USD, trong năm tài khóa này. Trước đó, Sony dự báo sẽ lãi 1,2 tỷ USD.

Trong quý 4/2011, Sony lỗ 2,06 tỷ USD, nâng tổng số lỗ ròng của 3 quý đầu năm tài khóa lên 2,5 tỷ USD. Cách đây ít hôm, Sony đã phải thay Giám đốc điều hành (CEO).

Chung số phận với Panasonic và Sony, hãng Sharp ngày 1/2 cũng dự báo sẽ thua lỗ kỷ lục 3,8 tỷ USD trong năm tài khóa 2011.

Tình hình ảm đạm của các hãng điện tử lớn nhất Nhật Bản cho thấy tác động mạnh mẽ từ sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty Hàn Quốc như Samsung, nhu cầu suy giảm của thị trường toàn cầu cùng đồng Yên mạnh. Bên cạnh đó, các hãng này còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hai thảm họa thiên nhiên là động đất ở Nhật và lụt lội ở Thái Lan.

Theo nhận định của giới phân tích, rắc rối mà các hãng điện tử Nhật đang gặp phải tập trung phần nhiều ở mảng TV. Cùng với xu hướng chiếc máy thu hình trở nên “thông minh”, có thể kết nối với các thiết bị khác như máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc các công ty Nhật đuối sức trên thị trường TV đang đe dọa làm suy giảm doanh số ở các dòng sản phẩm điện tử tiêu dùng khác của các hãng này.

Mặc dù vậy, các “đại gia” điện tử Nhật đều không muốn từ bỏ mảng sản xuất TV, nên việc họ cần làm lúc này là đầu tư mạnh tay hơn để đưa bộ phận này trở lại trạng thái có lãi. Phát biểu hồi tháng trước, Chủ tịch Panasonic, ông Fumio Ohtsubo đã gạt phắt ý tưởng xóa sổ bộ phận TV, mảng kinh doanh đóng góp khoảng 1 nghìn tỷ Yên doanh thu mỗi năm cho hãng.

“Trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu mới nhất của chúng tôi là đưa lợi nhuận về với bộ phận TV. Sẽ đến lúc, TV Panasonic là trường hợp điển hình về sự phục hồi”, ông Ohtsubo nói.

Tuy nhiên, dự báo về doanh số thị trường TV toàn cầu sắp tới rất ảm đạm. Hãng nghiên cứu DisplaySearch nhận định, doanh thu của thị trường TV màn hình tinh thể lỏng toàn cầu sẽ giảm 8% trong thời gian từ nay tới năm 2015, còn 92 tỷ USD. Doanh thu của thị trường TV màn hình plasma, thị trường mà Panasonic đang ngự trị, thậm chí còn được dự báo giảm 38%, còn 7 tỷ USD.

Ngoài vấn đề ở bộ phận sản xuất TV, giới đầu tư còn lo ngại về tình trạng “lửng lơ” trong đường lối của các hãng điện tử Nhật. Hiện giá cổ phiếu của Panasonic đang ở mức thấp nhất trong 30 năm. Giá cổ phiếu Sharp đã hạ 20% trong năm 2011. Trong nhiệm kỳ CEO của Howard Stringer từ tháng 6/2005 tới nay, giá cổ phiếu cổ phiếu Sony “bốc hơi” một nửa.

“Họ không có một mục tiêu cụ thể nào cả. Không rõ điểm mạnh của Sony và Panasonic hiện nằm ở đâu? Không rõ họ muốn làm gì? Họ không có câu trả lời cho những câu hỏi này”, ông Yuuki Sakurai, CEO kiêm Chủ tịch công ty Fukoku Capital, nhận xét.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate