Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng USAID và các đối tác tư nhân khởi xướng nhằm đánh giá vai trò của bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Một địa phương có chỉ số PGI tốt đều phải đảm bảo tốt 4 chỉ số thành phần: có chất lượng quản trị môi trường tốt, nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; và khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Theo kết quả PGI 2024 công bố, Hải Phòng dù không dẫn đầu ở chỉ số thành phần nào, nhưng vẫn giữ vị trí số một nhờ kết quả tổng hợp xuất sắc trên cả bốn chỉ số thành phần, với tổng điểm đạt 29. Xếp sau lần lượt là Vĩnh Long (28,16 điểm), Hà Nam (28,04 điểm), Bắc Ninh (27,78 điểm) và Bình Dương (27,64 điểm).
CÁC ĐỊA PHƯƠNG DẦN CÓ SỰ CẢI THIỆN
Kết quả PGI 2024 cho thấy cam kết tăng trưởng xanh của Việt Nam đang mang lại những kết quả rõ rệt, thể hiện qua cải thiện đo lường được trong quản trị môi trường. Điểm PGI trung bình đã tăng 3,9 điểm, từ 21,00 điểm năm 2023 lên 25,39 điểm năm 2024, tương đương mức cải thiện 17% chỉ trong vòng một năm.
Điểm trung vị của các tỉnh/thành phố cũng thay đổi tương tự, tăng từ 21,9 điểm năm 2023 lên 24,9 điểm hiện nay. Đáng chú ý, cả 63 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PGI năm nay đều ghi nhận mức cải thiện nhất định.
PGI năm 2024 ghi nhận sự cải thiện ở cả bốn chỉ số thành phần so với năm 2023, đồng thời nổi lên hai xu hướng đáng chú ý. Mức cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở chỉ số thành phần 4, đo lường các chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ của địa phương (tăng 1,3 điểm), và chỉ số thành phần 2 về tiêu chuẩn quản lý (tăng 1,14 điểm). Chỉ số thành phần 3 về vai trò lãnh đạo môi trường của tỉnh cũng tăng gần 1 điểm.

Mức cải thiện nhỏ nhất là 0,15 điểm ở chỉ số thành phần về giảm thiểu ô nhiễm và phòng chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu. Nguyên nhân chính theo phân tích của khảo sát PGI, do chỉ số này vốn đã đạt điểm cao nhất vào năm 2023, nên việc cải thiện tiếp theo trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, vào mùa hè năm 2024, ngay trước thời điểm khảo sát, miền Bắc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi, tác động tới 26 tỉnh với 3,6 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 300 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 1,77 tỷ USD.
Mặc dù, phần lớn các địa phương đã thể hiện khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên và nhanh chóng, song nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến hậu quả của bão vào thời điểm khảo sát.
Song khảo sát cũng cho thấy bức tranh thay đổi Chỉ số Xanh cấp tỉnh đáng ghi nhận. Đó là công tác thực thi quy định môi trường ở cấp tỉnh đang được tăng cường, kéo theo mức độ tuân thủ môi trường của doanh nghiệp gia tăng. Cụ thể, 59% doanh nghiệp đánh giá chất lượng môi trường là tốt (tăng so với 57% năm 2023); 31% doanh nghiệp cảm nhận ô nhiễm giảm (so với 29% năm 2023); và 56% cho biết ô nhiễm không còn là vấn đề, tăng 11 điểm phần trăm so với năm 2023.
Cùng với đó, việc siết chặt thực thi quy định thể hiện rõ qua các con số: năm 2024, 53% doanh nghiệp từng bị thanh tra môi trường, tăng so với 46% năm trước; 81% doanh nghiệp cho biết địa phương có biện pháp xử phạt nghiêm các vi phạm môi trường (tăng gần 6,9 điểm phần trăm so với 2023); 78% doanh nghiệp đánh giá địa phương có hành động kịp thời để xử lý vấn đề ô nhiễm (tăng 7,3 điểm phần trăm).
Dữ liệu PGI 2024 cũng cho rằng siết chặt quy định là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy doanh nghiệp nâng cấp xanh, đặc biệt với các doanh nghiệp định hướng thị trường nội địa. 20% doanh nghiệp đồng ý rằng lý do chính khiến họ nâng cấp xanh là do quy định pháp luật (so với 14,3% năm 2023).
CẦN XÂY DỰNG HỆ THỐNG QUẢN TRỊ ĐỦ MẠNH
Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra, không có địa phương nào đạt gần mức điểm tối đa 40 cho các chính sách xanh. Hơn nữa, sự khác biệt về mặt thống kê giữa các tỉnh/thành phố có thứ hạng cao nhất và thấp nhất là rất nhỏ.
Tại nhiều địa phương, dù kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và ban hành, nhưng lại thiếu tính cụ thể. Một số chương trình hiện chưa phù hợp hoặc khả thi với điều kiện kinh tế nền tảng của tỉnh/thành phố đó.
Về chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh ở địa phương: 43,5% doanh nghiệp thực hiện nâng cấp xanh đã nhận được ưu đãi thuế, miễn/giảm thuế hoặc trợ cấp; 13% doanh nghiệp không thực hiện nâng cấp xanh vì thiếu nguồn lực, giảm gần 2 điểm phần trăm so với năm 2023. Trung bình, mức chi cho các hoạt động môi trường của doanh nghiệp còn khá thấp; doanh nghiệp chỉ dành khoảng 1,3% tổng chi phí vận hành cho các cải tiến xanh.
Một lo ngại khác, khi số lượng các cuộc thanh tra và mức độ thực thi quy định tăng lên, doanh nghiệp lại bày tỏ nhiều bức xúc hơn về gánh nặng thủ tục và tính công bằng của các hoạt động thanh, kiểm tra môi trường.
Năm 2023, chỉ 5% doanh nghiệp cho rằng cán bộ thanh tra môi trường gây ra gánh nặng quy định quá mức, nhưng sang năm 2024, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi lên 11,5%. Chỉ 1,1% doanh nghiệp ghi nhận có sự phối hợp giữa các đoàn kiểm tra thuộc các cơ quan khác nhau để giảm gánh nặng thủ tục, giảm nhẹ so với năm trước.
1/4 các doanh nghiệp cho rằng các cuộc thanh, kiểm tra là công bằng, xét trên các tiêu chí về vấn đề được nêu ra, vi phạm bị phát hiện, quyết định xử phạt và mức phạt có hợp lý hay không, giảm 5 điểm phần trăm so với mức vốn đã thấp là 30% năm 2023.
Đáng ngại hơn, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả phí không chính thức khi bị thanh, kiểm tra môi trường đã tăng hơn gấp đôi. Cụ thể, 50% doanh nghiệp trên toàn quốc xác nhận có chi phí ngoài luồng cho cán bộ thanh, kiểm tra môi trường trong năm 2024, so với chỉ 22% năm trước.
Như vậy, dù hoạt động thanh tra đã phát huy vai trò, vẫn cần rất nhiều nỗ lực để thuyết phục doanh nghiệp rằng thanh, kiểm tra môi trường là cần thiết, thông qua việc nâng cao chất lượng quy trình và quy định mà doanh nghiệp phải tuân thủ.
Từ những phân tích trên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng ban Pháp chế, cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đưa đất nước đến một ngã rẽ quan trọng. Tuy nhiên, những thành tựu nổi bật trong việc đạt được vị thế quốc gia có thu nhập trung bình, có thể bị đe dọa bởi các rủi ro môi trường và thiên tai ngày càng gia tăng, vốn gây thiệt hại cho hạ tầng, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đe dọa sinh kế của người dân.
“Điều quan trọng lúc này là cần xây dựng hệ thống quản trị đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức này. Đồng thời duy trì sự cân đối hợp lý giữa sự thuận lợi, tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh và việc kiểm soát các hoạt động làm gia tăng ô nhiễm, biến đổi khí hậu, có nguy cơ cản trở phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn”, ông Tuấn nói.