January 13, 2025 | 13:14 GMT+7

Kế hoạch giám sát thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường

Nhĩ Anh -

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện công tác giám sát tối cao của Quốc hội Khóa XV về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm rà soát, hoàn thiện các nội dung, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; chuẩn bị các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát tối cao Quốc hội.

Cùng với đó, phối hợp, thực hiện đầy đủ nội dung, yêu cầu trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát; định hướng được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường cần tiếp tục triển khai để đề xuất đưa vào Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Cụ thể, các đơn vị, cơ quan có liên quan cần rà soát, đánh giá toàn diện, đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân trong quá trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đồng thời, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, đề xuất đưa vào Nghị quyết.

Kế hoạch giám sát thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường - Ảnh 1

Kế hoạch yêu cầu thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này và cácnhiệm vụ khác được Lãnh đạo Bộ giao đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Kế hoạch nêu rõ, các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; Phối hợp triển khai các hoạt động trước, sau và trong khi tổ chức giám sát thực tế cùng với thực hiện các hoạt động khác như nghiên cứu, góp ý đối với tài liệu, nội dung phục vụ các phiên họp, hoàn thiện các nội dung theo ý kiến góp ý của các thành viên Đoàn giám...

Trước đó, ngày 7/1/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Kế hoạch và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát cho biết mục đích của việc giám sát là xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đối tượng giám sát bao gồm Chính phủ; các Bộ thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Công an, Quốc phòng; UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về nội dung giám sát, Đoàn giám sát tập trung vào các nội dung gồm việc ban hành, hoàn thiện và tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đoàn sẽ đánh giá việc tổ chức thi hành, thực hiện chính sách pháp luật và nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung đánh giá một số nội dung trọng tâm như: Việc bố trí và sử dụng nguồn lực cho bảo vệ môi trường; Việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường;

Cùng với đó, đoàn sẽ đánh giá hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị; Việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng);

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; Tổ chức phát triển thị trường carbon, trong đó có nội dung trao đổi tín chỉ carbon rừng.

Theo kế hoạch dự kiến, từ cuối tháng 6 tới trước ngày 31/7, Đoàn giám sát sẽ tổ chức 4 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương (Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Cần Thơ, Hải Phòng; Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng).

 
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Nghị quyết yêu cầu đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 9/2025, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate